Đừng thương mại hóa y tế công

Đừng thương mại hóa y tế công

in Thu hẹp khoảng cách

Lời dẫn: BS.TS. Trần Tuấn thuộc khối các tổ chức khoa học độc lập ngoài nhà nước, nhiêu năm chuyên tư vấn phản biện chinh sách lĩnh vực y tế và phát triển cộng đồng bền vững. Gần đây, ông có bài viết thuộc chủ đề “tư nhân hóa, thương mại hóa y tế và công bằng sức khoẻ”, đăng trên Facebook cá nhân ngày 18/12/2018 (click xem bài viết tại đấy) Nhận thấy bài viết này nên được những ai quan tâm tới chiến dịch “Thu hẹp khoảng cách” tham khảo, ban quản trị trang Facebook Thu hẹp khoảng cách đã liên hệ và được tác giả đồng ý cho đăng lại, với sự điều chỉnh nội dung của phần vào đề bởi chính tác giả thực hiện.

ĐỪNG THƯƠNG MẠI HÓA Y TẾ CÔNG!

Với giới làm chính sách y tế công cộng trên thế giới, hệ thống y tế của Việt nam từng có thời vẻ vang được lấy làm “case-study” minh chứng cho sự thành công thực tế của triết lý “primary health care” ở các nước đang phát triển, đóng góp cho sự đồng thuận toàn cầu ra đời tuyên ngôn chăm sóc sức khỏe ban đầu Alma-Ata 1978!

Nhưng rồi chính sách “đổi mới” cho  phát triển kinh tế đất nước khởi phát cuối năm 1986, khiến hệ thống y tế này không thể không bị tác động, và từ 1989 đã bị đẩy sang ngả “định hướng thị trường”! Trong khoảng chục năm trở lại đây, xu hướng thương mại hóa càng rõ! Tư nhân hóa hoàn toàn bệnh viện công theo hình thức cổ phẩn hóa, hoặc “bán phần” theo mô hình “hợp tác công tư- PPP” ( Public Private Partnership) đã thấy xuất hiện và xu hướng sẽ tăng trong thời gian tới, nếu không có định hướng khác!

Bài viết này có chủ đích “ngăn” xu thế trên, và thay vào đó, khuyến cáo chuyển sang “định hướng” khác! Những nhận định chính từ bài viết này sẽ được thể hiện bằng các bài phân tích cụ thể thêm trong thời gian tới.

TƯ NHÂN HÓA, THƯƠNG MẠI HÓA Y TẾ CÔNG: ĐÁNG MỪNG HAY ĐÁNG LO?

Quan điểm của tác giả (người viết bài này), và xét theo giấc mơ phát triển chăm sóc sức khoẻ theo định hướng “công bằng, hiệu quả, bền vững” ở đất nước này, đấy là điều đáng lo: Nguy cơ gây nghèo cho dân, cho nước!

“Nỗi lo” có gốc gác từ bản chất của loại hình “rất đặc thù” chỉ y tế có! Tư vấn, khám chữa bệnh khác với các loại hình dịch vụ thông thường khác trong đời sống con người. Chăm sóc y tế bản chất là hoạt động nhân đạo, không thể thỏa hiệp cho mục tiêu vì “lợi nhuận kinh tế”! Tôi bác bỏ các ý kiến tổ chức cơ sở cung cấp y tế theo mô hình “doanh nghiệp” hạch toán lỗ lãi! Bác bỏ việc bổ nhiệm lãnh đạo cơ sở y tế là người không cần chuyên môn y! Càng đẩy y tế đi theo “định hướng thị trường”, càng thương mại hóa y tế, càng thúc đẩy tư nhân hóa y tế công lập… chỉ càng làm đớn đau thêm cho người làm y tế có tâm, người bệnh nói riêng, và cho chung toàn xã hội mà thôi! Chăm sóc y tế phải là động lực đồng thời là yếu tố trực tiếp giảm nghèo, không thể là yếu tố gây nghèo! Y tế phải đóng góp cho sự bình đẳng, không phải để làm rộng thêm bất bình đẵng xã hội!

Năm 2007, tác giả đã phân tích vấn đề “nghèo đói từ góc nhìn y tế phát triển” đăng trong chuyên san về vấn đề nghèo đói của Tạp Chí Cộng Sản (số 9, ngày 10/4/2007). Thông điệp gửi ra lúc đó (khi mà tình trạng thương mại hóa y tế công còn chưa mạnh mẽ như bây giờ) thể hiên qua tiêu đề “cảnh báo” rất trực diện: “Nghèo đi vì chữa bệnh”, cùng phụ đề như một kết luận có chủ đích: “ Chi phí cao trong y tế- Đầu vào chính của đói nghèo”, và kết bằng kêu gọi chính sách thúc đẩy hành động: “Giảm nghèo đói: Kiểm soát chi phí trong chữa trị bệnh”; đăng lại trong Tinh Thần Công Dân ngày 28/12/2018.

THƯƠNG MẠI HÓA Y TẾ CÔNG: HẬU QUẢ NHÃN TIỀN

Khi đã đẩy cả hệ thống y tế công chạy theo mục tiêu phát triển “dịch vụ vì lơi nhuận”, trong một môi trường pháp lý cho y tế chưa phát triển tương xứng với toàn cầu hóa ( cả 3 khâu lập pháp, hành pháp, tư pháp cho mảng y tế đều yếu) , đi kèm với thiếu vắng chủ thể y tế phi lợi nhuận và sự nghèo nàn hoạt động của khối tư vấn phản biện độc lập vì dân, công thêm sự “can thiệp vì lợi nhuận” của các ngành công nghiệp dược, trang thiết bị, sinh phẩm y tế, công nghệ y tế.. hậu quả ắt sẽ phải đến là một “thị trường chăm sóc sức khoẻ ” méo mó: Y tế công thực chất là “Công-tư lẫn lộn”, y tế tư thì sống “tầm gửi quan hệ” theo y tế công cả về con người và chuyên môn! cả hai chủ thể Y tế Công- Y tế Tư “cùng khai thác thị trường” lấy bệnh nhân làm nguồn thu, trong sự thiếu vắng hoàn toàn “y tế nhân đạo, phi lợi nhuận”- Thị trường chăm sóc y tế “mất tăm” cái gương soi chiếu cho y tế “Công , tư lẫn lộn” cả về giá và chất lượng dịch vụ!

Và thế là, hệ thống y tế hiện tại có phát triển trong thời gian qua, nhưng thực chất chỉ là chạy theo “phát triển” dịch vụ điều trị, xét nghiệm, trang thiết bị.. những gì can thiệp vào bệnh nhân, khách hàng nhằm “thu hồi vốn nhanh”! Thông tin “giáo dục sức khoẻ” bị can thiệp cho mục tiêu “thúc đẩy sử dụng dịch vụ”! Lạm dụng điều trị, thuốc, xét nghiệm, … trở thành vấn đề lớn của ngành y tế, đồng thời là nỗi lo thường trực của người bệnh, căn nguyên gây mất lòng tin xã hội dành cho y tế vốn được mặc định là “nhân đạo- mẹ hiền”. Câu chuyện những “đơn thuốc” dài dằng dặc, những “gói thuốc nghiền ra” hoặc “viên xanh viên đỏ” không thể nhận biết cứ phải nhất nhất theo “lời dặn thầy thuốc”, những xét nghiệm hàng loạt làm đi làm lại từ bệnh viện này sang bệnh viện khác, những chẩn đoán “không giống ai, khác nhau một trời một vực” khi chuyển qua giữa các tuyến, giữa các cơ sở.. cứ sinh sôi không ngừng! Rồi các vận động xã hội “nhổ dự phòng răng khôn đại trà”, phong trào ”mổ lấy thai”, phong trào “cắt bao quy đầu trẻ”… diễn ra khắp trong nam ngoài bắc, là những ví dụ điển hình của sự lạm dụng kể không bao giờ hết!

Chủ thể y tế công bị thương mại hóa, y tế tư phát triển theo định hướng thị trường dãn dắt bởi công nghiệp dược, sinh phẩm, trang thiết bị.. còn y tế phi lợi nhuận, nhân đạo không có hành lang pháp lý cho sự tồn tại… Cộng với sự “không chấp nhận” giám sát độc lập chất lượng dịch vụ y tế, khiến cho bất bình đằng trong chăm sóc y tế tất yếu sẽ “không thể nào không tăng”, chi phí y tế cứ “tịnh tiến tăng dần đều”, “nghèo hóa vì chữa bệnh” không cần phải nghiên cứu cũng có kết quả: Chắc chắn đã tăng và còn tăng!

ĐINH HƯỚNG MỚI

Bác bỏ thương mại hóa, tư nhân hóa y tế, vậy con đường nào, lối thoát nào cần phải tạo nên để đổi mới chất lượng và hiệu quả của hệ thống y tế Việt nam hiện nay?

Đấy chính là “lập lại thị trường” chăm sóc y tế nói riêng và chăm sóc sức khoẻ nói chung đúng nghĩa! Thị trường phải tồn tại đồng thời 3 chủ thể : Y tế công- Y tế Tư- Y tế ngoài nhà nước phi lợi nhuận (hay còn gọi: Y tế cộng đồng)! Mỗi chủ thể có chức năng và định hướng hành động đặc thù, bổ xung cho nhau.

Y tế công, hay y tế nhà nước, phải đúng nghĩa như tên gọi của nó, không thể “Hồn tư- Xác công” như hiện nay! Nó được lập ra để làm nền móng hình thành và gìn giữ mặt bằng chất lượng chảm sóc y tế cơ bản, thiếu yếu cho toàn dân! Mất y tế công, công bằng sức khỏe sẽ chỉ là lời nói suông!

Giữ và phát triển y tế công là yêu cầu đạo đức xã hội! Nhưng không thể giữ ở trạng thái “phản cảm” để các cơ sở này là nỗi ám ảnh với người dân về chất lượng dịch vụ kém, đạo đức người hành nghề kém! Vì thế, bài toán với tế công là vấn để tổ chức lại và cải thiện “chất lượng, hiệu quả”, cả về chuyên môn và đạo đức! Trong các giải pháp đưa ra cho các cơ sở y tế công yếu kém, hãy biết ngoảnh mặt với “cổ phần hóa, tư nhân hóa, hay hợp tác công- tư PPP cùng khai thác thị trường người bệnh”! Thay vào đó, quay sang hướng đổi mới hiệu quả “ vì tâm không vì tiền”! Tức chuyển các cơ sở y tế công này sang “y tế nhân đạo ngoài nhà nước, phi lợi nhuận”.

Y tế ngoài nhà nước phi lợi nhuân, hay y tế cộng đồng, do các tổ chức độc lập phi lợi nhuận lập ra, vận hành phục vụ chủ yếu cho các nhóm yếu thế, cho mục tiêu phát triển cộng đồng, cho mục tiêu nhân đạo. Được vận hành theo nguyên tắc tự chủ đăng ký phi lợi nhuận, theo hành lang pháp lý dành cho tổ chức phi lợi nhuận như các nước tiên tiến đã làm.

Y tế tư đáp ứng các nhu cầu thị trường, làm giàu thêm sự chọn lựa cho người dân, và rõ ràng, chủ yếu phục vụ cho tầng lớp có tiền trong xã hội!

Thiết lập hành lang pháp lý làm rõ sự tồn tại của 3 chủ thể trên. Tiếp đến, chuyển đổi bộ phận y tế công lập yếu kém về chuyên môn, về quản lý… thay vì tư nhân hóa, cổ phần hóa, “hợp tác PPP”,  thì chuyển sang “y tế ngoài nhà nước phi lợi nhuận”.

Trong xã hội, luôn tồn tại một bộ phận có tâm hướng thiện, vì cộng đồng! Ở một đất nước có nền tảng ngàn năm đạo bụt, không thiếu các bác sĩ, nhân viên chăm sóc y tế, thực sự muốn hành nghề vì cái tâm giúp người giúp đời, và môi trường y tế nhân đạo, ngoài nhà nước, phi lợi nhuận, là đất cho họ phát triển.

HÀNH ĐỘNG BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?

Một sự từ bỏ dứt khoát chủ trương “thương mại hóa, tư nhân hóa” y tế công trong điều kiện hiện nay, chuyển bộ phận y tế công yếu kém sang hướng “y tế nhân đạo, ngoài nhà nước, phi lợi nhuận” là điều kiện cần đầu tiên, đặt ra cho lãnh đạo Đảng và nhà nước!

Tiếp đến, hành động cần có ở bộ phận thực thi lúc này, là một hành lang pháp lý công nhận sự tồn tại của “y tế vì dân, phi lợi nhuận, ngoài nhà nước” như một tồn tại khách quan!

Và, những bác sĩ, những nhà trí thức ngành y có tâm, hãy chung lưng mở ra một trường đào tạo khoa học chăm sóc sức khoẻ vì dân, phi lợi nhuận, để nhanh chóng đào tạo lại và đào tạo mới những con người có tâm đang khát khao cống hiến giúp người giúp đời bằng kiến thức y học hiện đại, chuẩn thức, vì dân, bắt đầu bằng làm tốt chăm sóc sức khoẻ ban đầu!

Và,  thời gian sẽ cung cấp câu trả lời chính xác: KHI NGÀNH Y ĐƯỢC TRỞ VỀ BẢN CHẤT HOẠT ĐỘNG NHÂN ĐẠO, PHỤC VỤ VÌ LỢI ÍCH CỦA NGƯỜI DÂN, NIỀM TIN ĐƯỢC LẤY LẠI!
Có niềm tin, là có tất cả!

Y tế là động lực phát triển xã hội, là giảm nghèo, là tạo lập công bẳng xã hội!
Chắc chắn phải là như thế!

BS.TS. Trần Tuấn

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*