Các dự án phát triển tăng quyền hay tước quyền của người dân?

in Cộng Đồng

Trong phát triển, một trong các nguyên nhân của đói nghèo hay được nhắc đến, đó là sự thiếu vắng quyền lực của người nghèo và cơ hội tham gia vào trong các dự án phát triển, quá trình hoạch định chính sách ở địa phương và trung ương. Chính vì vậy, một trong các giải pháp bền vững mà các tổ chức phi chính phủ, các nhà tài trợ hay hướng đến đó là tăng quyền cho người nghèo. Họ tin rằng, khi người nghèo có quyền họ sẽ đòi quyền và yêu cầu nhà nước thực hiện nghĩa vụ. Như vậy người nghèo có thể tham gia vào việc quản lý xã hội, phân bố nguồn lực và ra chính sách có lợi cho mình.


Ảnh: người dân tự tạo ra các không gian riêng của mình trong cuộc sống hàng ngày (nguồn: Văn hóa của mình)

Để hiểu được thực sự các dự án có tăng quyền hay trao quyền (empowerment) cho người dân không, chúng ta phải hiểu về quyền lực và cách tăng quyền thực sự cho người dân là gì. Khi nhìn nhận quyền lực dưới góc độ cách thể hiện, người ta nói tới bốn sắc thái về quyền lực. Thứ nhất là “quyền lực lấn át” thể hiện cách người ta áp đặt ý kiến/quyết định của mình cho những người yếu thế hơn. Thứ hai là “sức mạnh tự cường” thể hiện qua việc người ta không bị khuất phục bởi khó khăn, thể hiện qua các quyết định để vượt qua khó khăn. Thứ ba là “sức mạnh tập thể” thể hiện qua việc người ta đoàn kết lại để cùng làm một việc gì đó. Và thứ tư là “sức mạnh nội tại” thể hiện qua việc người ta tự tin ở bản thân mình, tự hào về mình và biết quyền của mình.

Như vậy, việc tăng quyền lực cho những nhóm yếu thế thành công hay không phụ thuộc vào việc dự án có giúp xây dựng sức mạnh tập thể (các nhóm yếu thế đoàn kết hơn để giải quyết khó khăn của mình), sức mạnh nội tại (khơi gợi niềm tự hào trong người dân, giúp họ tự nhận ra khả năng của mình v.v.) và sức mạnh tự cường (người dân tự chủ và không bị lệ thuộc vào các hỗ trợ bên ngoài) hay không. Ngoài ra, cũng cần phải giúp người dân đối phó với các quyền lực lấn át của các đối tác bên ngoài, thường muốn áp đặt ý tưởng lên cộng đồng.

Để tăng sức mạnh tập thể, một hình thức rất phổ biến các dự án hay áp dụng, đó là thành lập Tổ nhóm nông dân hay Câu lạc bộ cùng sở thích. Sau khi đánh giá nhu cầu, ai muốn nuôi lợn sẽ tham gia vào Nhóm nuôi lợn, ai muốn trồng cây sẽ tham gia vào Nhóm trồng cây. Mỗi tổ nhóm nông dân có từ 10 đến 20 hộ gia đình, tùy theo số người tham gia và quy mô dự án. Ai không tham gia Tổ nhóm hoặc Câu lạc bộ sẽ không được nhận tài trợ. Điều này là do các dự án tin rằng nông dân cần hợp tác với nhau để tăng thêm sức mạnh tập thể. Ví dụ, khi nông dân cùng nhau mua đầu vào với số lượng lớn họ có thể đàm phán để có giá cả tốt hơn, hoặc cùng nhau bán sản phẩm, có thể đàm phán bán được giá hời hơn.

Từ triết ly này, Tổ nhóm nông dân được yêu cầu phải sinh hoạt thường kỳ. Họ phải cùng nhau đưa ra nội quy, kế hoạch hoạt động và bầu trưởng nhóm, phó nhóm và kế toán. Bên cạnh nội dung sinh hoạt về nuôi lợn hay trồng cây ăn quả, họ được yêu cầu lồng ghép những vấn đề khác như bình đẳng giới, dân chủ cơ sở và chống biến đổi khí hậu. Ngoài “cái ăn cái mặc”, các Tổ nhóm và CLB còn tăng cường quyền con người và hướng đến phát triển bền vững. Chỉ số thành công là số Nhóm hoặc CLB sinh hoạt thường kỳ, bàn thảo các nội dung ‘quan trọng’, bên cạnh nuôi lợn béo và trồng cây khỏe.

Tuy nhiên, một thực tế phổ biến là các Tổ nhóm và CLB do các dự án dựng lên thường rơi vào trạng thái “ngủ đông” hoặc ngừng hoạt động ngay lập tức sau khi dự án kết thúc. Đâu là nguyên nhân?

Có lẽ sai lầm đầu tiên của các dự án phát triển đó là không kiểm soát “quyền lực lấn át” của mình. Các cán bộ dự án thường học cao biết rộng, thấy mình “biết nhiều hơn” những nhóm yếu thế và vì vậy mình cần phải “chia sẻ” những ý kiến của mình. Việc chia sẻ thường dựa trên ý tốt, trách nhiệm và nhiều khi xảy ra một cách vô thức. Tuy nhiên, cán bộ dự án luôn mang trên mình một quyền lực to lớn của nhà tài trợ có tiền, nên những gợi ý của họ đôi khi trở thành “điều đúng nên làm” đối với người nghèo. Khi dự án giới thiệu mô hình Tổ nhóm với những “triết lý” sâu xa, người dân dễ dàng tuân theo ngay lập tức. Việc tuân theo này không phải vì họ hiểu hoặc đồng thuận với “mô hình tăng quyền của tổ nhóm”, mà vì nếu không tham gia họ sẽ bị gạt ra bên ngoài.

Sai lầm thứ hai chính là các không gian “dự án tạo” mang tên Tổ nhóm hoặc Câu lạc bộ. Không gian này được tạo ra theo nhu cầu/yêu cầu của dự án hơn là của người dân. Chính vì vậy, người dân là khách hơn là chủ trong ngay các Tổ nhóm và CLB xây dựng cho họ. Đây chính là vấn đề cốt tử vì các dự án thay vì đảm bảo tính sở hữu và khơi gợi sức mạnh nội tại đã làm cho người dân tự ti và phụ thuộc vào bên ngoài. Thái độ “thôi họ có cho mình là tốt rồi, đòi hỏi làm gì” trở nên phổ biến. Chính cách làm áp đặt, xin cho, và không thực sự tôn trọng và lắng nghe ý kiến người dân là nguyên nhân gốc rễ. Đây chính là hậu quả mà nhiều dự án để lại: người dân trở nên phụ thuộc hơn vào hỗ trợ bên ngoài và tính tự vươn lên bị mai một nghiêm trọng.

Chính vì vậy, thay vì xây dựng những không gian “dự án tạo” nên tìm kiếm các không gian “nhân dân tạo” có sẵn trong cộng đồng. Các không gian này có thể là Hội, Phường hoặc Diễn đàn mà người dân đã liên kết với nhau. Đây là các không gian được hình thành, sở hữu và làm chủ bởi chính người dân. Trong các không gian này, người dân rất tự tin, tự chủ, gắn kết và chia sẻ với nhau. Dự án như là người ngoài, tiếp cận, lắng nghe, học hỏi và gợi ý các vấn đề để người dân thảo luận trong không gian của mình. Khi đó, chắc chắn chất lượng thảo luận sẽ cao, và các quyết định sẽ thực sự của tập thể nhân dân hơn là của cán bộ dự án.

Như vậy, tăng quyền cho người nghèo và các nhóm yếu thế là mục đích tốt đẹp mà các tổ chức phát triển mong muốn hướng tới. Tuy nhiên, điều đầu tiên cán bộ của các tổ chức này cần làm là kiểm soát quyền lực của mình. Họ nên thúc đẩy các không gian tự tạo của người dân, và đóng vai trò khơi gợi các vấn đề để người dân thảo thuận, phân tích, đưa ra giải pháp và thực hiện. Có như vậy, sức mạnh tập thể, sức mạnh nội tại và sức mạnh tự cường của người dân mới được tăng lên và sứ mệnh trao quyền mới thực sự thành công.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*