Khi nào nền dân chủ xuất hiện?

in Cộng Đồng

Có nhiều tranh cãi khác nhau về mối quan hệ giữa dân chủ và tăng trưởng kinh tế. Nhiều người cho rằng nếu các quốc gia nghèo nhất muốn tăng trưởng kinh tế, họ phải hạn chế sự tham gia của xã hội dân sự vào các vấn đề chính trị. Trường phái này giải thích, do vì đáp ứng yêu cầu của những người bỏ phiếu, các đảng phải chính trị thường đưa ra các chính sách ưu tiên cho tiêu dùng cá nhân hơn là các đầu tư mang lại tăng trưởng về lâu dài. Chính vì vậy sự tham gia chính trị phải được kiểm soát, ít nhất là tạm thời, để cổ xúy cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến phản bác khi cho rằng dân chủ và sự tham gia chính trị của xã hội dân sự là cần thiết, vì nó đảm bảo quyền tự do kinh doanh và chính phủ được kiểm soát và hoạt động minh bạch. Khi đó nguồn lực sẽ được phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn nên kinh tế sẽ tăng trưởng tốt hơn.


Ảnh: Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và một số ĐBQH trong ngày khai mạc kỳ họp thứ Năm, kỳ họp bàn về sửa đổi Hiến pháp
(nguồn: Lê Anh Dũng – Minh Thăng – vietnamnet)

Tuy nhiên, dân chủ xuất hiện như thế nào và trong điều kiện gì thì một nhà nước độc tài chuyển đổi thành một nhà nước dân chủ cũng là một câu hỏi cần giải đáp.

Theo lý thuyết nội sinh, khi một đất nước phát triển thì cấu trúc xã hội trở nên phức tạp hơn, sản xuất yêu cầu một sự liên kết chủ động giữa công nhân, và các nhóm xã hội mới được hình thành, tổ chức lại với nhau. Như là điều hiển nhiên, hệ thống xã hội đa dạng mới không thể được điều hành bởi kiểu ra mệnh lệnh cũ. Các nhóm khác nhau, dù là tầng lớp quý tộc, lao công, hay các tổ chức xã hội dân sự vô định hình sẽ nổi lên và lật đổ chế độ độc tài chuyên chế. Theo lý thuyết này, khi thu nhập của một đất nước đạt đến một ngưỡng nào đó, thì quá trình dân chủ hóa sẽ diễn ra.

Còn lý thuyết ngoại sinh cho rằng các nền dân chủ xuất hiện khá ngẫu nhiên, không liên quan đến ngưỡng phát triển. Tuy nhiên, dân chủ sẽ sống sót ở các nước khá giả hơn và chết yểu ở các nước nghèo hơn. Nói cách khác, nó sống sót ở các nước hiện đại nhưng không phải là sản phẩm của quá trình hiện đại hóa. Như vậy, xác suất để một nước trở thành dân chủ không thay đổi khi mức thu nhập của nó tăng lên. Trường phái này nhấn mạnh đến tăng trưởng như là yếu tố giúp cho các thể chế dân chủ duy trì nhưng không gây ra các thay đổi dân chủ hóa ở các nước độc tài.

Adam Przeworski và Fernando Limongi chứng minh lý thuyết ngoại sinh bằng cách sử dụng số liệu của 135 nước trong giai đoạn từ 1950 đến 1990 để giải thích nguyên nhân của quá trình dân chủ hóa. Họ quan sát thấy việc chuyển từ chế độ độc tài qua chế độ dân chủ không theo lý thuyết nội sinh. Sự chuyển đổi tăng khi thu nhập tăng, nhưng chỉ đúng đến ngưỡng khoảng 6000 đô la. Sau ngưỡng đó, chế độ độc tài, nếu sống sót, trở nên vững chắc hơn cho dù thu nhập tiếp tục tăng. Nói cách khác, chế độ độc tài tồn tại vững chắc ở các nước có thu nhập dưới 1000 đô la, nhưng lung lay ở những nước có thu nhập từ 1000 đến 4000 đô la, và tiếp tục vững chắc sau ngưỡng 6000 đô la.

Carles Boix và Susan C. Stokes phản biện lại và cho rằng, xác suất để một nước chuyển qua chế độ dân chủ sau ngưỡng 6000 đô la thấp là do có rất ít nước độc tài tồn tại sau khi thu nhập vượt ngưỡng này. Nói cách khác đa số các nước đã chuyển qua chế độ dân chủ trước khi đạt ngưỡng thu nhập này. Họ cho rằng mức độ phát triển có ảnh hưởng to lớn đến sự sống sót của các nền dân chủ. Xem xét lại số liệu của 135 nước, Boix và Stokes không thấy bất cứ nền dân chủ nào bị đổ nếu thu nhập đã vượt 6000 đô la, cụ thể có 32 quốc gia dân chủ đã tồn tại 736 năm. Trong khi đó có 39 nền dân chủ trong số 69 quốc gia dân chủ có mức thu nhập thấp hơn đã bị chết yểu. Họ kết luận xác suất chết của một nền dân chủ giảm dần đều khi thu nhập đầu người của quốc gia đó tăng lên. Họ giải thích cho hiện tượng này là do việc phân bổ thu nhập không đồng đều ở các nước này. Ở các nước nghèo hơn, mâu thuẫn trầm trọng hơn và sự bất bình đẳng cao hơn nên các nhà độc tài có nhiều lợi ích trong việc “chiến đấu” để thu vén cho mình.

Carles Boix và Susan C. Stokes cho rằng phát triển có tác động lên cả quá trình nội sinh lẫn ngoại sinh của quá trình dân chủ hóa. Thứ nhất, khi phát triển càng cao thì xác suất để quá trình chuyển đổi qua thể chế dân chủ xuất hiện càng lớn. Tuy nhiên, xác suất này không tăng mãi, hay nói cách khác, tác động của phát triển lên khả năng chuyển đổi là giảm dần. Thứ hai, sự tăng trưởng của kinh tế chính là yếu tố để ổn định nền dân chủ, nên khi thu nhập tăng thì khả năng ổn định của các nền dân chủ sẽ cao hơn. Boix và Stokes ủng hộ quan điểm cho rằng dân chủ không phải là sản phẩm thuần túy của thu nhập, nhưng nó là sản phẩm của những thay đổi khác tạo ra trong quá trình phát triển, ví dụ như bất bình đẳng về thu nhập. Họ cho rằng, không phải thu nhập cao hơn tạo ra dân chủ, mà là bất bình đẳng trong thu nhập đã tạo ra đòi hỏi dân chủ hóa.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng thu nhập chỉ là biểu hiện của giáo dục và rõ ràng những người có giáo dục cao hơn thường tiếp nhận các giá trị dân chủ tốt hơn. Bên cạnh đó, cũng có người cho rằng, mức độ thu nhập hiện tại của một quốc gia không phải là yếu tố quyết định đến sự sống sót của các nền dân chủ, mà là kinh tế của nước đó có tăng trưởng hay không. Số liệu cho thấy, dân chủ có khả năng sống sót cao hơn ở những quốc gia kinh tế đang tăng trưởng, cho dù có thu nhập dưới 1000 đô la. Còn ở những nước có thu nhập trong khoảng 1000-2000 đô la, nhưng kinh tế đang suy giảm thì tỉ lệ chết yểu của nền dân chủ còn cao hơn. Nếu dân chủ tạo ra phát triển thì dân chủ có thể tồn tại ở ngay các quốc gia nghèo nhất.

Như vậy, không những có ý kiến khác nhau về mối liên hệ giữa dân chủ và tăng trưởng kinh tế, mà còn có những ý kiến khác nhau về điều kiện ra đời và sự tồn vong của các nền dân chủ. Việt Nam hiện đang đi vào ngưỡng thu nhập trung bình, cụ thể là trên 1.200 đô la tuyệt đối, hoặc gần 3.000 đô la nếu tính theo sức mua tương đương PPP. Sau hơn 20 năm đổi mới, xã hội Việt Nam cũng đã trở nên đa dạng và phức tạp hơn. Nhiều nhóm dân cư có nhu cầu tự do, tổ chức và đòi hỏi nhà nước phải có trách nhiệm giải trình cao hơn. Sự bất bình đẳng về thu nhập và cơ hội giữa các thành phần dân cư, tham nhũng và sự thiếu minh bạch trong việc quản lý đất đai và tài nguyên ngày càng tăng tạo ra sự thất vọng trong dân chúng. Cho dù mỗi quốc gia có một điều kiện khác nhau và lý thuyết nội sinh hay lý thuyết ngoại sinh đúng, thì quan sát những thay đổi gần đây ở Việt Nam và trong những năm tới là rất cần thiết và thú vị.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*