Nỗi nhục dân tộc và Dự án Quốc gia cho Việt Nam

in Cộng Đồng

Sau chiến tranh thế giới thứ Hai, Nhật Bản có một Dự án quốc gia đó là phục hưng dân tộc. Nén lại những tủi nhục của một nước thất trận, người Nhật tập trung vào một mục đích duy nhất đó là trấn hưng nền kinh tế, đầu tư vào khoa học kỹ thuật, và biến Nhật Bản thành một quốc gia hùng cường. Tương tự như vậy, Trung Quốc đang có một Dự án quốc gia. Đó là thoát khỏi nỗi nhục bị xâm chiếm, đói nghèo, và trở lại vai trò “trung tâm của thế giới” như thời hoàng kim xưa. Tuy có nhiều vấn đề như tham nhũng, môi trường nhưng Trung Quốc tiếp tục tiến về phía trước vì toàn dân tộc đoàn kết xung quanh một mục đích: rửa nỗi nhục bị xâm chiếm và đô hộ bởi Nhật Bản trước đây.


Ảnh: người dân Việt Nam ăn mừng chiến thắng của đội bóng (nguồn: internet)

Việt Nam đã từng có một Dự án quốc gia, đó là giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Sau bao nhiêu năm chịu sự đô hộ của Thực dân Pháp, chịu nạn đói do Nhật Bản gây ra và sự chia rẽ của ý thức hệ, toàn dân tộc có một mục tiêu duy nhất đó là giải phóng quốc gia, thống nhất đất nước. Khát khao độc lập tự do, thoát khỏi kiếp nô lệ đói nghèo đã đoàn kết dân tộc, là kim chỉ nam để từng người dân hành động. Những gì gây hại cho mục đích quốc gia sẽ bị loại bỏ, những gì có ích sẽ được phát huy. Toàn dân tộc đồng lòng tiến lên phía trước, và sức mạnh dân tộc đã biến ước mơ thành sự thật.

Sau chiến thắng, người Việt say sưa với vóc dáng to lớn mang tính thời đại của mình. Ánh hào quang từ chiến trường đã làm cho chúng ta đi hết sai lầm này đến sai lầm khác trong phát triển kinh tế và xã hội. Tưởng rằng nhân dân đã được tự do, cơm no áo ấm, nhưng dường như ước mơ này vẫn còn xa vời ở phía trước. Chúng ta không những phải vật lộn với những vấn đề cũ như đói nghèo, dân chủ, tự do, mà còn với cả những vấn đề mới như bất bình đẳng, chia rẽ dân tộc và sự phổ biến của tham nhũng và lợi ích nhóm. Dường như, 38 năm sau khi đất nước được thống nhất độc lập, thành tựu chúng ta đạt được thì ít mà vấn đề chúng ta tạo ra thì nhiều.

Vấn đề lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt đó là sự thiếu vắng của một Dự án quốc gia. Sự chia rẽ trong ý thức hệ, xé lẻ trong niềm tin và lợi ích nhóm đã phá hủy khối đoàn kết dân tộc. Sự thiếu vắng của một tinh thần ái quốc đã làm cho nhiều người Việt chỉ quan tâm thu vén cho lợi ích bản thân. Cán bộ lãnh đạo chỉ mong giữ ghế vì những lợi lộc mà mình có được từ tham nhũng. Doanh nghiệp chỉ mong có được sự ưu đãi của chính phủ trong nguồn vốn đầu tư và độc quyền thị trường. Người kinh doanh bất động sản chỉ  mong tước đoạt được ruộng đất của nông dân với giá bọt bèo để kiếm lời kếch xù. Các nhà máy, chỉ chăm chăm bóc lột công nhân, thải rác và hóa chất độc hại ra môi trường.

Trong một xã hội hỗn mang, lòng vị tha trở thành một thứ hiếm hoi và xa xỉ. Con người không còn năng lực tư duy và hành động theo mong muốn của người khác, thậm chí cả những người xung quanh như hàng xóm và đồng nghiệp của mình. Bác sĩ chỉ muốn kê đơn thuốc theo tỉ lệ hoa hồng của các công ty dược phẩm. Y tá, chỉ mong nhận phong bì cho việc tiêm và thay bông băng cho bệnh nhân. Giáo viên muốn dậy thêm để thu tiền hơn là quan tâm đến sự trưởng thành của từng học sinh. Nông dân trồng rau sạch cho mình còn rau bẩn bán cho thiên hạ. Con người chỉ suy nghĩ và định hướng theo lợi ích cá nhân của mình, nhiều khi bỏ qua cả sự liêm sỉ trong hành vi, lời nói, thậm chí cả tư duy suy nghĩ.

Việt Nam đang ở trong thời khắc khó khăn và nguy cơ tụt hậu là có thật. Nếu nhìn xung quanh, chúng ta thấy mình đã kém xa rất nhiều so với những nước ngay trong khối ASEAN. Không cần tính Singapore, Thái Lan hay Malaysia, Việt Nam có nguy cơ tụt hậu so với cả Campuchia hoặc Miến Điện trong thời gian tới. Chúng ta đã xì hơi quá sớm chỉ sau gần hai thập kỷ phát triển và hiện có một nền kinh tế dúm dó. Đau lòng là trong thế bĩ cực, thay vì cùng nhau vá vết thủng, tìm hướng phát triển cho tương lai thì chúng ta lại thi nhau xâu xé cái vỏ bóng xì hơi, hy vọng chiếm được phần nhiều về cho mình. Đây thực sự là mối nhục quốc gia vì chúng ta không phải là một dân tộc tồi nhưng chúng ta đã làm việc cùng với nhau rất tồi cho một tương lai chung.

Việt Nam cần có một dự án quốc gia để đoàn kết toàn dân và hướng tới tương lai. Chúng ta cần có một nỗi nhục chung, một nỗi sợ chung để kề vai, sát cánh. Có người nói, mối đe dọa từ Trung Quốc là một yếu tố để người Việt đoàn kết với nhau. Mỗi khi có gây hấn, không kể Việt cộng hay Việt kiều, miền Nam hay miền Bắc, người dân tộc thiểu số hay người Kinh đa số, tất cả đều đồng lòng bảo vệ lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, quá nguy hiểm khi lấy mối đe dọa từ Trung quốc làm động lực vì nó sinh ra chủ nghĩa dân tộc dễ dẫn đến những chính sách và hành động sai lầm. Hơn nữa, ngay quan hệ với Trung Quốc thì cũng chưa có sự đồng thuận, đặc biệt giữa lãnh đạo và nhân dân. Mà rõ ràng, khi có sự lệch pha giữa giới tinh hoa và quảng đại quần chúng thì dự án quốc gia nào cũng sẽ thất bại.

Chính vì vậy, chúng ta phải tự tạo ra một dự án quốc gia cho bản thân mình. Một dự án quốc gia được xây dựng trên nguy cơ tụt hậu của dân tộc với ngay những người bạn láng giềng. Một nguy cơ dân tộc bị lệ thuộc, trở thành nô lệ theo kiểu mới, khi chúng ta không thể tự quyết cho mình, phải nghe bên ngoài ngay trong những điều nhỏ nhất. Một nguy cơ mà con cháu chúng ta phải đi tha hương, phục dịch truyền kiếp cho người ta ngay trên mảnh đất của mình hay ở các vùng đất đã từng nghèo hơn chúng ta như Campuchia, Thái Lan hay Miến Điện. Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào yếu kém đó để định vị lại dân tộc. Chúng ta không thể tiếp tục ru ngủ mình với những hào quang của quá khứ. Chúng ta không thể để ý thức hệ phủ bóng đen lên tương lai dân tộc. Chúng ta phải lấy lợi ích của tất cả mọi người làm mục tiêu phát triển, chứ không phải chỉ lợi ích của một nhóm người có quyền lực thâu tóm tương lai đất nước.

Quá trình hòa hợp dân tộc không phải là dễ nhưng cũng không phải là khó. Người Việt vốn bao dung và dễ tha thứ miễn là chúng ta cùng bàn với nhau. Hiện nay, chẳng có cơ hội nào tốt hơn việc xây Dự án quốc gia bằng cách xây dựng Hiến pháp. Mỗi người dân phải tự lên tiếng, đóng góp cho một Hiến pháp của toàn bộ nhân dân. Tiếng nói của bất kỳ ai cũng phải được tôn trọng, phải coi dân chủ, bình đẳng, tự do và quyền con người như là tối thượng. Tiến trình cùng bàn thảo Hiến pháp chính là tiến trình thông hiểu khác biệt, thống nhất tương lai và đoàn kết dân tộc. Tiến trình tạo ra ý thức về nguy cơ bị nô lệ hóa, tăng lòng ái quốc và thúc đẩy tinh thần tự do. Chỉ khi con người có tự do thì khi đó con người mới có khả năng hướng thiện, gìn giữ phẩm giá và lòng tự trọng của mình. Khi đó, những rác rưởi trong từng người, trong xã hội sẽ tự được làm sạch, và Dự án quốc gia khắc được hình thành và đưa dân tộc thoát khỏi kiếp lệ thuộc và tụt hậu.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*