Không gian quyền lực và sự tham gia của người dân

in Cộng Đồng

Quyền lực là khả năng gây ảnh hưởng đến một quyết định nào đó. Trong cuốn “Quyền lực đích thực” Thích Nhất Hạnh đã viết “Chúng ta luôn cố đạt cho được một địa vị có quyền lực bởi vì ta tin rằng quyền lực giúp ta làm chủ được cuộc sống, đem lại cho ta tự do và hạnh phúc – những gì ta mong muốn nhất”.


Ảnh: “Thức tỉnh để đón cầu vồng” là một hoạt động của cộng đồng LGBT góp phần tạo ra “không gian tự tạo” để người đồng tính, song tính và chuyển giới tự tin và tham gia vào “không gian dân chủ đại diện” vận động thay đổi luật và Hiến pháp tốt hơn

Tuy nhiên, quyền lực có phải chỉ có từ một địa vị nhất định hay còn những yếu tố nào khác cũng tạo nên quyền lực? Theo lý thuyết về quyền lực thì quyền lực nên được nhìn nhận dưới góc độ những không gian cho sự tham gia, có nghĩa là quyền lực tồn tại và thực thi ở những không gian khác nhau và việc tham gia hay không được tham gia vào các không gian quyền lực này sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của từng cá nhân, cộng đồng hoặc thậm chí cả quốc gia.

Điều quan trọng là các “không gian tham gia” này không hẳn được hình thành một cách tự nhiên mà nó là sản phẩm của mối quan hệ quyền lực. Mỗi không gian được tạo bởi các ranh giới và ranh giới này thể hiện qua việc ai có quyền đưa ra nghị trình thảo luận, ai có quyền tham gia, và ai có quyền quyết định cuối cùng. Có ba loại không gian quyền lực khác nhau, và chúng có quan hệ qua lại lẫn nhau.

“Không gian đóng” (closed space) là khu vực của nhóm nắm quyền mà những nhóm yếu thế hơn không được tham gia. Không gian đóng thường là nơi hội họp của lãnh đạo các đảng phái chính trị để quyết định các vấn đề quan trọng, nhưng thường không có sự tham gia của những người bị ảnh hưởng bởi các quyết định đó. Trên thực tế, các quyết định trong các không gian đóng thường phục vụ cho lợi ích của nhóm nắm quyền hơn là của những nhóm yếu thế.

“Không gian dân chủ đại diện” (invited space) là khu vực mà chuyên gia, đại diện nhóm ít quyền lực hơn được mời tham gia đóng góp ý kiến. Các ví dụ cụ thể như diễn đàn của các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội và Hội đồng nhân dân nơi các chuyên gia về một vấn đề cụ thể được mời đến trình bày ý kiến khoa học, hoặc các nhóm xã hội được mời đến để đóng góp ý kiến. Trong không gian này, quyết định được đưa ra trong môi trường mở hơn, phần nào có sự tham gia và giám sát của quảng đại quần chúng. Tuy nhiên, chất lượng quyết định phụ thuộc vào năng lực tham gia của người dân, và ý chí đại diện cho quyền lợi nhân dân của các đại biểu “dân cử”.

“Không gian tự tạo” (claimed space) là khu vực do chính những nhóm xã hội khác nhau, các nhóm thiệt thòi hoặc nhóm bị lề hóa xây dựng để thảo luận những vấn đề mà họ quan tâm. Người ta gọi khu vực này là khu vực “hữu cơ” hay nói cách khác là những khu vực được hình thành một cách rất tự nhiên dựa trên sắc tộc, sở thích, mối quan tâm. Nó là những hoạt động mà người dân tự khởi xướng, tự thực hiện dựa trên nhu cầu thiết thân của mình. Nói cách khác, đây là những không gian tự do của người dân, tạo điều kiện cho người dân nói lên ý kiến của mình, sáng tạo và phản biện lẫn nhau, và phản biện chính sách của nhà nước. Đây chính là môi trường dân sự cần thiết cho bất cứ một nền dân chủ nào.

Chỉ cần xem xét các không gian quyền lực được vận hành như thế nào, chúng ta có thể biết đất nước đó dân chủ đến mức nào. Nếu một quốc gia có “không gian đóng” quá lớn, thì đó là một quốc gia chuyên quyền, không dân chủ và chỉ phục vụ lợi ích của nhóm chóp bu. Nếu một quốc gia có “không gian dân chủ đại diện” lớn có chất lượng cao, có nghĩa ở quốc gia đó nền dân chủ đã được thực thi. Còn “không gian tự tạo” chính là chỉ số cho sự tự do của người dân trong việc thực hành các quyền dân chủ của mình, mà hiện thân là xã hội dân sự.

Để có được sự cân bằng giữa các không gian, điều quan trọng là phải có sự kiểm soát quyền lực. Sự kiểm soát này dựa trên “nhà nước pháp quyền” và “sự phản hồi của người dân”. Có nghĩa, người dân thực hành sự phản hồi của mình qua quyền bầu cử, trong môi trường tự do thông tin, báo chí và tự do hội họp. Khi đó, xã hội sẽ tự quyết định không gian nào sẽ có quyền gì, và quyền lực của từng không gian sẽ được kiểm soát công khai minh bạch như thế nào.

Ở Việt Nam, chúng ta hay nói đến khái niệm nhà nước pháp quyền, dân chủ đại diện và khuyến khích sự tham gia của người dân. Điều này có nghĩa, Việt Nam đang muốn tăng quyền và chất lượng của “không gian dân chủ đại diện.” Các nhóm thiểu số thiệt thòi như người khuyết tật, người di cư, dân tộc thiểu số, hay người đồng tính, song tính và chuyển giới đang được mời đến các diễn đàn để góp ý cho việc sửa luật và hiến pháp. Để việc góp ý hiệu quả thì người đại diện phải có kiến thức sâu, hiểu rõ chủ đề mình tham gia, khả năng thuyết trình, thuyết phục, đàm phán. Nếu không, khi “đột ngột” được mời tham gia vào khu vực dân chủ đại diện như đóng góp ý kiến cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, người dân sẽ chỉ thụ động ngồi nghe,  và sự tham gia của họ chỉ là hình thức.

Khi nhìn nhận quyền lực dưới lăng kính “không gian tham gia” người ta thấy một điều, những năng lực có được khi tham gia ở một không gian này sẽ ảnh hưởng tới cách tham gia ở không gian khác. Nhưng trên hết, không gian của “diễn đàn tự tạo” rất quan trọng, vì nó giúp người dân tập dượt, có năng lực đại diện để tham gia vào “không gian dân chủ đại diện” hiệu quả hơn. Và khi “không gian dân chủ đại diện” có chất lượng, có ảnh hưởng thì “không gian đóng” sẽ được điều chỉnh phù hợp và kiểm soát tốt hơn. Đây chính là cơ sở lý luận cho việc thúc đẩy vai trò của xã hội dân sự, các quyền tự do ngôn luận và lập hội trong việc thúc đẩy quyền giám sát của người dân, hay kiểm soát quyền lực của các nhóm lợi ích.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*