Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2018 – Tổ chức Oxfam, nhóm Vietnam Street Photography và ECUE đồng hành cùng chiến dịch Thu Hẹp Khoảng Cách tổ chức “Cuộc thi ảnh về vấn đề bất bình đẳng xã hội”.
Sau hơn 30 năm đổi mới đã có 30 triệu người Việt Nam thoát khỏi đói nghèo. Những tiến bộ về kinh tế, xã hội và công nghệ đều được hiện diện ở khắp nơi. Tuy nhiên, trong 30 năm qua bất bình đẳng xã hội cũng tăng với tốc độ ngày ngày nghiêm trọng. Ví dụ vào năm 2014 vẫn còn 12.3 triệu người Việt Nam vẫn sống trong đói nghèo trong khi có 210 người siêu giầu với tổng tài sản lên đến 20 tỉ đô la Mỹ. Theo tính toán, chỉ cần thu nhập một năm của 210 người siêu giàu này có thể giúp 3,2 triệu người thoát nghèo. Hơn nữa, bất bình đẳng về thu nhập chỉ là một mặt của vấn đề phát triển. Những người nghèo thường phải đối mặt với những bất bình đẳng khác về tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, tham gia vào hoạt động xã hội, chính trị, hoặc thậm chí có tuổi thọ trung bình thấp hơn các nhóm khá giả.
Được đối xử bình đẳng là quyền và khát vọng của mỗi con người. Bình đẳng cũng là nền tảng để con người Việt Nam xây dựng một xã hội hài hoà, chia sẻ và nhân ái. Chính vì vậy, với mong muốn thúc đẩy giá trị bình đẳng, tạo cơ hội để người dân nói lên những câu chuyện xung quanh đời sống của mình, cuộc thi ảnh về vấn đề bất bình đẳng xã hội khuyến khích các nhà nhiếp ảnh đưa ra các vấn đề BẤT BÌNH ĐẲNG còn tồn tại qua ống kính của mình với các chủ đề cụ thể như sau:
Cuộc thi khuyến khích các nhà nhiếp ảnh đưa ra các vấn đề BẤT BÌNH ĐẲNG còn tồn tại trong đời sống qua ống kính của mình với các chủ đề cụ thể như sau:
- Bất bình đẳng trong nhà ở, giáo dục, y tế, công việc.
- Bất bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ.
- Bất bình đẳng giữa người lớn và trẻ em
- Bất bình đẳng giữa người khuyết tật và người không khuyết tật
- Bất bình đẳng giữa người đô thị và người nhập cư
- Bất bình đẳng giữa giàu và nghèo
- Bất bình đẳng giữa người đồng tính và người dị tính
Cuộc thi là một trong những hoạt động của chiến dịch Thu Hẹp Khoảng Cách nhằm góp phần nêu lên các vấn đề bất bình đẳng ở Việt Nam. Những tác phẩm được giải sẽ được trưng bày tại triển lãm Thu Hẹp Khoảng Cách vào ngày 13/01/2019 ở Hà Nội do Tổ chức Oxfam Việt Nam và Đại sứ quán Hoa Kỳ đồng tổ chức. Ban tổ chức cũng có kế hoạch xuất bản một album ảnh về chủ đề của cuộc thi.
ĐỐI TƯỢNG DỰ THI
- Dành cho tất cả công dân đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam có niềm đam mê nhiếp ảnh, không giới hạn độ tuổi, nơi sinh sống.
- Chấp nhận và đáp ứng đúng các yêu cầu của cuộc thi.
- Cam kết và chịu trách nhiệm về tính sở hữu của tác phẩm.
GIẢI THƯỞNG
GIẢI THƯỞNG DO BAN GIÁM KHẢO CHẤM
- 01 giải nhất: 15 triệu đồng/ giải và Giấy chứng nhận của Ban tổ chức
- 02 giải nhì: 8 triệu đồng/ giải và Giấy chứng nhận của Ban tổ chức
- 03 giải ba: 5 triệu đồng/ giải và Giấy chứng nhận của Ban tổ chức
GIẢI DO KHÁN GIẢ BÌNH CHỌN
Giải bài dự thi được bình chọn nhiều nhất: 6 triệu đồng và Giấy chứng nhận của Ban tổ chức
(*) Người nhận giải tự đóng thuế thu nhập cá nhân và hoàn thành nghĩa vụ thuế với nhà nước.
THÀNH PHẦN BAN GIÁM KHẢO
- Bà Maika Elan – Nhiếp ảnh gia độc lập
- Ông Phạm Bá Lĩnh – Vietnam Street Photography (VSP)
- Ông Nguyễn Thanh Dương – Vietnam Street Photography (VSP)
- Bà Hoàng Lan Hương – Tổ chức Oxfam Việt Nam
- Ông Lê Quang Bình – ECUE
THỂ LỆ CHUNG
– Cuộc thi diễn ra từ ngày 10/11/2018 đến hết ngày 30/11/2018;
– Thời gian bình chọn giải ảnh yêu thích trên mạng xã hội: 1/12 đến hết ngày 5/12/2018
– Thời gian công bố kết quả từ ngày 13/12 đến ngày 17/12/2018.
– Thời gian triển lãm ảnh cuộc thi tại Hà Nội: ngày 13/01/2019
– Các tác phẩm có nội dung ảnh thể hiện vấn đề bất bình đẳng trong xã hội Việt Nam
– Mỗi tác giả dự thi được gửi tối đa mười (10) ảnh cho tất cả nội dung/chủ đề
Lưu ý: Mỗi ảnh cần có chú thích về địa điểm, thời gian chụp, con người, câu chuyện và cảm hứng của tác giả khi chụp ảnh. (Tối đa 100 ký tự)
– Bài dự thi khuyến khích chụp bằng máy ảnh hoặc các thiết bị kỹ thuật số khác, và có định dạng file JPEG, dung lượng tối thiểu 2 MB, kích thước tối thiểu 1920 megapixel theo chiều ngang. Dung lượng tối đa là 12 MB, kích thước tùy ý.
Lưu ý: Các tác giả nộp lại ảnh gốc trong trường hợp trúng giải.
Ban tổ chức có quyền hủy bài dự thi nếu xác định các lượt like (hoặc chia sẻ) có dấu hiệu gian lận.
HÌNH THỨC VÀ CÁCH THỨC DỰ THI
Bước1: Mỗi tác giả sẽ gửi bài dự thi vào email: evenitup.vn@gmail.com với tiêu đề: “Thi ảnh Bất bình đẳng xã hội”. Ảnh cần có chú thích về địa điểm, thời gian chụp, con người, câu chuyện và cảm hứng của tác giả khi chụp ảnh. Lưu ý, mỗi tác giả có thể gửi nhiều nhất 10 ảnh.
– Điền đầy đủ thông tin cá nhân (Họ và tên – Năm Sinh – Số điện thoại cá nhân) để Ban tổ chức có thể liên hệ khi bạn đạt giải.
Bước 2: Tác giả dự thi đăng bài dự thi của mình trên trang Facebook cá nhân với hashtag #ThuHepKhoangCach2018 (bắt buộc)
Bước 3: Ban tổ chức đăng ảnh dự thi của các tác gải ngay sau khi nhận được lên Facebook của chiến dịch #thuhepkhoangcach để cho khán giả bình chọn đến hết ngày 30 tháng 11 năm 2018. 20 bức ảnh có nhiều like nhất sẽ được chọn đăng trên group Facebook của nhóm Vietnam Street Photography để cho khán giả bình chọn từ ngày 1 đến ngày 5 tháng 12 năm 2018. Ảnh được nhiều like nhất trên Group của VSP sẽ nhận giải được khán giả yêu thích nhất.
Bước 4: Ban giám khảo sẽ chấm tất cả các ảnh nhận được để chọn ra các tác phẩm nhận giải nhất, giải nhì và giải ba. Dự kiến kết quả sẽ được công bố trong khoảng thời gian từ ngày 13 đến ngày 17 tháng 12 năm 2018.
TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ GIẢI CỦA BAN GIÁM KHẢO
– Các tác phẩm có nội dung ảnh thể hiện ĐÚNG CHỦ ĐỀ về các vấn đề bất bình đẳng trong xã hội Việt Nam.
– Hình ảnh có bố cục, sắc nét và có nội dung rõ ràng, thể hiện được cá tính và tư duy hình ảnh của người chụp.
– Góc máy hiện đại, giàu cảm xúc, tạo ấn tượng. Thể hiện chân thật các vấn đề của cuộc sống.
QUY ĐỊNH KHÁC
– Các tác phẩm ảnh không được chắp ghép làm sai lệch sự thật. Tất cả đều phải thuộc quyền sở hữu của tác giả dự thi. Nếu có tranh chấp về bản quyền, tác phẩm sẽ không được Ban giám khảo đánh giá. Các tác giả tham gia cuộc thi tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và có nghĩa vụ tự giải quyết mọi tranh chấp liên quan đến việc sử dụng hình ảnh tham gia (nếu có).
– Nếu tác giả có hành vi gian lận hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo về tác phẩm Ban Tổ chức sẽ loại bỏ bài dự thi đó.
– Ban tổ chức có quyền sử dụng ảnh của Tác giả dự thi để đăng bài quảng bá cho cuộc thi. Nếu sử dụng cho những mục đích ngoài mục đích quảng bá cuộc thi, ban tổ chức sẽ xin phép và thỏa thuận với tác giả trước khi sử dụng.
– Quyết định của Ban Tổ chức là quyết định cuối cùng