Hãy giết mụ phù thủy độc ác!

in Cộng Đồng

Cả lớp được giao nhiệm vụ cứu những đứa trẻ bị ném xuống hồ bởi một mụ phù thủy độc ác. Theo tinh thần hoạt động nhóm, ai biết bơi được giao nhiệm vụ lao xuống hồ cứu trẻ. Kẻ thính tai, sáng mắt thì giám sát xem khi nào trẻ bị ném xuống hồ. Còn những người học y dược được giao nhiệm vụ cấp cứu và chữa trị cho trẻ.


Ảnh: phù thủy đi bắt trẻ em (nguồn internet)

Những đứa trẻ đầu tiên bị ném xuống hồ đã nhanh chóng được phát hiện và cứu sống. Cả lớp hả hê vì mình đã làm được nhiều việc tốt, cứu được nhiều mạng người. Tuy nhiên, càng ngày càng có nhiều đứa trẻ bị ném xuống hồ, cả bé trai và bé gái. Mọi người làm việc hết sức, thay ca liên tục nhưng cứu vẫn không xuể. Sự rệu rã, thất vọng, bất lực và giận giữ ngày càng tăng và hiện rõ trên từng khuôn mặt. Bỗng dưng có ai đó hét lên “hãy giết mụ phù thủy độc ác” làm cả lớp giật mình ngơ ngác. Làm sao giết được mụ phù thủy? mụ ta có phép thuật và chiếc chổi biết bay mà? Mụ ta đầy quyền lực và mưu mẹo chúng ta người trần mắt thịt làm sao đấu lại? “Hãy cùng nhau giết mụ phù thủy”. Tiếng hét lại vang lên một lần nữa. “Hãy giết mụ phù thủy”, một ai đó khác cũng lẩm bẩm nói theo. Tiếng hô “Hãy giết mụ phù thủy độc ác”, “hãy giết mụ phù thủy độc ác” nhanh chóng được đồng thanh bởi cả lớp. Mọi mệt mỏi, rệu rã như biến mất, cả lớp truy tìm và vây bắt mụ phù thủy. Không còn đứa trẻ nào bị ném xuống hồ nữa!

Đây là một bài học trong lớp được sử để giúp học viên thấy được tầm quan trọng của việc tìm ra nguyên nhân gốc rễ, cội nguồn gây ra vấn đề. Nó giúp mỗi người tự đặt câu hỏi “tại sao” cho những hiện tượng mình quan sát thấy, nghe thấy, đọc thấy hàng ngày. Tại sao công an ra sức bắt các gánh hàng rong mà ở góc phố nào ta cũng thấy họ? Tại sao chúng ta là nước thứ hai ký công ước bảo vệ quyền trẻ em nhưng ngồi quán café nào cũng thấy trẻ em bán báo và đánh giầy? Tại sao doanh nghiệp nhà nước được ưu tiên tiền vốn, đất đai, thị trường nhưng vẫn thất bại? Tại sao chúng ta theo mô hình Chủ nghĩa xã hội mà người thì thiếu đói không đủ ăn, kẻ thì ngày càng giàu ở biệt thự đi xe Lexus? Tại sao Đảng và nhà nước kêu gọi chống tham nhũng, nhưng tham nhũng ngày càng tràn lan? Tại sao Việt Nam vì “độc lập, tự do, hạnh phúc” và “muốn làm bạn với tất cả các nước” mà vẫn bị các thế lực thù địch chống phá và diễn biến hòa bình? Tại sao?

Việc tìm câu trả lời cho câu hỏi “tại sao” không hề dễ dàng vì nguyên nhân gốc rễ thường phức tạp, ẩn sâu, và được ngụy trang bởi nhiều thông tin gây rối. Để chạm đến sự thật con người không những phải vượt qua những giới hạn về kiến thức, năng lực phân tích mà quan trọng hơn là định kiến và những khuôn mẫu sẵn có của mình. Một ví dụ đơn giản đó là cư xử của chính quyền với những người bán hàng rong trên phố. Khoan bình luận về hình ảnh các lực lượng chuyên chính như công an và dân phòng nhong nhong ngồi trên xe ô tô đuổi bắt và thu các gánh hàng rong, hãy bắt đầu bằng việc đặt câu hỏi: tại sao chính quyền lại cấm bán hàng rong? Và tại sao việc cấm bán hàng rong lại thất bại?

Tại sao chính quyền cấm bán hàng rong? Câu trả lời luôn là “gây mất vệ sinh và trật tự nơi công cộng” hoặc “mất mỹ quan thành phố” hoặc “cản trở giao thông”. Có  người còn đưa ra lý do sâu xa hơn là do “họ không chịu đóng thuế cho nhà nước nhưng lại chiếm dụng vỉa hè lòng đường.” Chính vì phải bảo vệ “lợi ích công” nên chính quyền phải cấm các gánh hàng rong. Cách làm là giao cho lực lượng chính quyền với đầy đủ phương tiện để tuần tra và vây bắt. Từ đây xuất hiện cảnh các chị gồng gánh nháo nhác khi nhìn thấy xe tải có hai chữ “cảnh sát”. Người may mắn thì chạy thoát, người chậm chân hơn thì bị tịch thu “dụng cụ hành nghề” dù mếu máo xin tha. Pháp luật như sơn, những người thân cô thế độc thì làm sao bẻ cong được sự nghiêm minh của việc công quyền!

Tuy khó khăn, nhưng những gánh hàng hoa vẫn rực rỡ tô điểm cho sự duyên dáng của phố cổ Hà Nội. Những gánh hàng rau củ quả vẫn tươi roi rói, và những gánh cốm vòng dậy mùi lúa mới được gói trong những chiếc lá sen xanh rờn vẫn quyến rũ. Mê mẩn với âm thanh, mùi vị đặc biệt của phố phường đông đúc, những vị khách du lịch nước ngoài ngẩn ngơ chụp hình và mỉm cười cảm ơn những người bán hàng rong. Các bà các cô vẫn vủi vẻ sà vào các gánh hàng rong vì nó là thói quen không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của họ.

Rõ ràng, mua hàng rong là nhu cầu của xã hội. Những ông bà nội trợ muốn có sự thuận tiện ngồi nhà mà vẫn mua được những thứ mình muốn, vừa tươi vừa rẻ. Có nhu cầu thì sẽ có đáp cầu và những gánh hàng rong được sinh ra từ nhu cầu cuộc sống. Hơn nữa, gánh hàng rong là cách mưu sinh của những người phụ nữ và nam giới kia, cũng giống như một ai đó có nghề là chủ tịch phường hoặc giáo viên đứng trên bục giảng. Sau gánh hàng rong cũng là bữa cơm hàng ngày của một gia đình, là tiền đóng học phí cho con, hay tiền trả viện phí cho người chồng ốm. Đó là lý do tại sao những gánh hàng rong tồn tại trong cuộc sống dù có bị ngăn cấm.

Ngoài ra, hàng rong cũng là một hoạt động kinh tế mang lại tăng trưởng và công ăn việc làm cho hàng chục nghìn người lao động. Nó là một kênh tiêu thụ nông sản của nông dân và kênh phân phối hàng hóa nhanh và rẻ cho dân cư thành phố. Những phiền phức do người bán hàng rong gây ra xuất phát từ ý thức của họ hơn là bản chất hoạt động kinh doanh di động. Chính vì vậy, nó có thể khắc phục được nếu họ được hướng dẫn và tuân thủ các nguyên tắc khi “tham gia giao thông” và “vệ sinh đường phố”. Khi đó, chắc chắn việc quản lý của chính quyền sẽ hiệu quả hơn, vì nó không tiêu diệt sinh kế của hàng chục nghìn hộ gia đình cũng như xóa bỏ mạch máu của nền “kinh tế phi chính thức” giàu sức sống của Việt Nam.

Như vậy, nếu chính quyền chỉ xem hiện tượng bán hàng rong “gây phiền phức” mà không hỏi “tại sao” nó tồn tại để ra chính sách thì chắc chắn giải pháp sẽ sai và thất bại. Khi có cách nhìn khách quan, đa chiều, bao gồm cả quan điểm của người trong cuộc thì nguyên nhân sẽ được nhận ra. Khi đó, chính sách mới có tình, có lý để không những “đi vào cuộc sống” mà còn “bắt đầu từ cuộc sống và quay lại phục vụ nhân dân.”

Cũng giống như bài học “hãy giết mụ phù thủy độc ác”, dù đối mặt với vấn đề đơn giản hay phức tạp, thông tin có rối loạn hay rõ ràng, chân lý tưởng như duy nhất hay quyền lực tưởng như vô biên, mỗi chúng ta đều cần bắt đầu từ câu hỏi “tại sao” để tìm ra nguyên nhân gốc rễ. Cùng với kim chỉ nam là các giá trị bình đẳng, tự do và hạnh phúc cho tất cả mọi người thì con đường đi tìm câu trả lời sẽ tránh được định kiến và sai lầm. Tại sao như vậy? Có lẽ, mỗi người hãy tự trả lời cho mình!

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*