Trong cuộc sống, chúng ta hay nghe câu “không bàn chuyện chính trị, nó quá nhậy cảm” hoặc “tôi không quan tâm đến chính trị vì nó không ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi.” Trên thực tế, nếu là con người sống bình thường thì chắc chắn ai cũng phải tham gia vào hoạt động chính trị và bị ảnh hưởng bởi chính trị. Aristotle đã nói, “con người theo bản năng tự nhiên đã có tính chính trị.” Như vậy, tại sao hai câu nói trên thường là câu cửa miệng của nhiều người, kể cả già lẫn trẻ, ở Việt Nam?
Trước tiên, ta nên hiểu chính trị là gì. Có nhiều định nghĩa khác nhau nhưng về bản chất, chính trị chính là cách các lực lượng xã hội khác nhau tự tổ chức, thảo luận và đàm phán để thống nhất những luật lệ mà những luật lệ này sẽ tác động và điều chỉnh cuộc sống của tất cả mọi người liên quan. Ở cấp quốc gia, các đảng chính trị sẽ vận động quần chúng nhân dân ủng hộ lý tưởng của mình để được bầu lãnh đạo đất nước. Trong quá trình vận động tranh cử, các ứng viên sẽ trình bày quan điểm và triết lý phát triển kinh tế hoặc an sinh xã hội, và nhân dân bầu cho quan điểm và triết lý phù hợp với mình.
Các hoạt động chính trị cũng có thể xảy ra ở cấp cộng đồng hoặc câu lạc bộ. Những ai muốn lãnh đạo sẽ phải thuyết phục các thành viên khác về chiến lược của mình. Ai được bầu có nghĩa triết lý và giải pháp của họ phù hợp với nhận thức và mong muốn của đa số các thành viên. Ví dụ, nếu bạn quan tâm đến người nghèo, bạn có thể tham gia vào Hội những người có mong muốn giúp đỡ bệnh nhân ung thư, trẻ em đường phố, hay các bệnh nhân nhiễm chất độc mầu da cam. Bạn sẽ tham gia bầu người đứng đầu nhóm của mình, thảo luận cách quyên tiền và cách trao tiền cho những người được lựa chọn. Khi đã thống nhất, toàn bộ nhóm, dù đồng ý hay không đều phải tuân thủ “nội quy” hoạt động của Hội. Cao hơn nữa, nếu bạn thấy cần phải vận động chính quyền thành phố phân bổ ngân sách cho các hoạt động từ thiện xã hội, bạn có thể tham gia vận động, hoặc bầu cho người cam kết ủng hộ mong muốn của bạn. Đây chính là các hoạt động chính trị thường ngày mà ai cũng đã từng tham gia, và chính trị luôn tồn tại và ảnh hưởng đến tất cả mọi người.
Nhưng tại sao chính trị lại trở thành xa lạ hoặc nhạy cảm đến vậy với nhiều người? Có lẽ, lý do đầu tiên là do quan điểm sai lầm về hoạt động chính trị. Nhiều người, thậm chí những người làm trong hệ thống nhà nước cho rằng chính trị chỉ gắn với đảng phái và chính quyền. Phiến diện hơn, có người cho rằng hoạt động chính trị có nghĩa là phản động và lật đổ chính quyền. Với sự hiểu biết hẹp hòi và sai lệch như vậy, hoạt động chính trị trở nên quá nhạy cảm, nguy hiểm và là điều cấm kỵ trong xã hội. Người dân né tránh học hỏi, tìm hiểu và thực hành hoạt động chính trị của mình. Khi đó, xã hội bị xơ cứng vì không tập hợp được trí tuệ của nhiều người cũng như chọn được người có tâm, có tầm để lãnh đạo xã hội và nhà nước.
Nhưng nguy hiểm hơn, sự sợ hãi chính trị không những làm tê liệt nhân dân mà còn ảnh hưởng đến các tầng lớp tinh hoa khác của dân tộc. Nhiều chính trị gia cho rằng hoạt động chính trị là quán triệt và tuân thủ một tư tưởng cố định nào đó nên họ né tránh và gạt bỏ những gì được cho là không đúng với tư tưởng đó vì sợ bị quy kết là “chệch hướng”. Đây chính là nguyên nhân của những định kiến, kỳ thị thậm chí là đàn áp chính trị trong xã hội. Nó cản trở tự do và ngăn cản sự tập hợp của các lực lượng xã hội. Khi đó, các nhà chính trị không thể lắng nghe và thực hiện vai trò đại diện cho lợi ích của nhân dân. Chính vì vậy, các nhà chính trị phải hiểu hoạt động chính trị là hoạt động tập hợp nhân dân, lắng nghe nhân dân, thuyết phục nhân dân bằng tư tưởng tự do và tầm nhìn bao quát toàn cầu khi lãnh đạo đất nước.
Bên cạnh đó, các nhà trí thức cần hiểu sâu sắc các hoạt động chính trị để tránh bị lệ thuộc vào ý chí chính trị của nhà cầm quyền. Nếu không, trí thức trở thành những con rối hay vật trang điểm cho những chính sách sai lầm, duy ý chí hơn là phản biện nhằm đảm bảo chính sách có lợi nhất cho nhân dân. Thiếu vắng phản biện, các nhà chính trị cũng dễ trở nên lạm quyền và nhân dân trở thành vật thí nghiệm cho những chính sách sai lầm và độc đoán. Khi đó, xã hội sẽ trở nên mất phương hướng như con thuyền mất bánh lái xoay tròn nơi dòng nước xoáy. Chính vì vậy, nhà trí thức phải hoạt động chính trị bằng cách tập hợp và đòi tự do nghiên cứu, tự do tư tưởng và đặc biệt là độc lập về chính trị. Khi đó, họ mới có khả năng dự báo, cảnh báo và định hướng cho xã hội và các nhà chính trị một cách khách quan.
Cuộc sống vận động và biến đổi không ngừng. Con người khác biệt và làm lên vẻ đẹp của sự đa dạng. Chính vì vậy, con người cần hoạt động chính trị để tích hợp ý tưởng, sáng tạo và tạo ra đột phá cho cuộc sống. Nếu chúng ta né tránh không dám hoạt động chính trị, có nghĩa chúng ta đi vào lối mòn, giáo điều và rơi vào thoái hóa. Điều quan trọng là khi hoạt động chính trị, hãy lắng nghe và thấu hiểu, hãy để từng người dân sống thật là mình, không giả dối, không vỏ bọc và không sợ hãi. Chỉ khi đó, dân tộc mới tịnh tiến về phía tự do và hạnh phúc.