Ngoài triết lý dựa vào lòng trắc ẩn hay tư lợi, lòng biết ơn (gratitude) cũng được nghiên cứu và cho thấy nó đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động từ thiện. Lòng biết ơn được hiểu như là (i) một đáp trả cảm xúc với một sự tử tế; (ii) một tâm trạng biết ơn với những giá trị và niềm vui trong cuộc sống nói chung (ví dụ một ngày đẹp trời)[1]; và (iii) một đặc điểm thể hiện lối sống biết trân trọng người khác và thế giới chúng ta đang sống[2]. Lòng biết ơn được hiểu như trên có vai trò quan trọng đối với cá nhân và xã hội, bao gồm việc cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần, chất lượng sống, và tính vị xã hội. Một số lý thuyết đã giải thích mối quan hệ giữa lòng biết ơn và tính vị xã hội, cụ thể lòng biết ơn như là (i) một phong vũ biểu đạo đức[3]; (ii) cơ sở cho sự trao đổi có đi có lại[4]; và (iii) duy trì và xây dựng sự gắn bó cũng như mối quan hệ xã hội[5]. Chia sẻ điều này, McCullough[6] cho rằng lòng biết ơn khuyến khích và củng cố hành vi có đạo đức (khi được nói ra, lòng biết ơn sẽ khuyến khích người cho tiếp tục cho trong tương lai).
Bài viết cùng chủ đề:
Lòng biết ơn ảnh hưởng đến tính vị xã hội, mà trong đó hoạt động từ thiện dựa vào vì nó là động cơ đạo đức cho hành vi đáp trả (có đi có lại). Nguyên tắc có đi có lại là tối quan trọng để giải thích sự tồn tại của lòng trắc ẩn trong xã hội. Sự đáp trả có thể được chia thành trực tiếp hoặc gián tiếp. Đáp trả trực tiếp có nghĩa A giúp B và sau này B giúp lại A khi có dịp. Sự đáp trả trực tiếp này chỉ xảy ra khi A và B biết nhau và khi tương tác trong tương lai họ gợi nhớ lại hành vi quá khứ. Nếu A và B không biết nhau thì sự đáp trả có thể được thực hiện gián tiếp, ví dụ A giúp B và từ đó A có danh tiếng để A được C giúp khi A cần. Hoặc khi A giúp B thì B lại đi giúp C vì B trân trọng sự giúp đỡ do mình đã có trải nghiệm được giúp đỡ trong quá khứ. Như vậy lòng biết ơn và sự đáp trả giúp tăng sự hào phóng trong xã hội. Ngoài ra, theo Fredrickson[7] thì lòng biết ơn còn có ảnh hưởng vượt qua sự đáp trả vật chất mà còn tác động đến việc xây dựng các mối quan hệ trong xã hội. Điều này là do cảm giác tích cực có được từ lòng biết ơn sẽ làm tăng sự gắn bó, giúp họ xây dựng các mối quan hệ mới, trân trọng các mối quan hệ đang có. Chính vì mối quan hệ này phát triển mà giúp cho việc trao đổi và hỗ trợ xã hội tốt hơn.
Việc tỏ lòng biết ơn (ví dụ như nói Cảm ơn) có tác động khuyến khích các hành vi vị xã hội. Nghiên cứu của McCullough[8] cho thấy những người cho được nói “cảm ơn” có xác xuất tiếp tục cho trong tương lai cao hơn so với những người cho không được bày tỏ lòng biết ơn. Một trong những lý do là việc bày tỏ lòng biết ơn giúp cho người cho biết người nhận đã cảm nhận được sự tử tế của người cho và sẽ đáp lại trong tương lai. Các nghiên cứu thực nghiệm đã khẳng định việc này, ví dụ nghiên cứu của Bartlett và DeSteno[9] cho thấy những người nhận bày tỏ lòng biết ơn đã sẵn sàng giúp lại người cho ở những công việc khác (ví dụ điền các phiếu điều tra nhàm chán), hoặc thậm chí giúp đỡ một người thứ ba khác. Việc bày tỏ lòng biết ơn (I am grateful to you) là một dự báo tốt hơn cho việc đáp trả trong tương lai với việc bày tỏ một nghĩa vụ (I own you one). McCullough cho rằng việc bày tỏ lòng biết ơn thì tạo ra cảm giác tích cực hơn việc bày tỏ nghĩa vụ phải hoàn trả.
Theo Adam Smith, lòng biết ơn là một trong những cảm xúc quan trọng nhất thúc đẩy con người cho đi. Theo ông, con người sẽ thường tỏ lòng biết ơn với những người có ý định giúp đỡ họ, đã giúp đỡ họ, và thấu hiểu cảm giác biết ơn của họ. Các nhà lý thuyết sau này như Simmel[10] và Gouldner[11] cho rằng lòng biết ơn là cơ sở để thúc đẩy sự trả ơn của con người, là ký ức đạo đức của loài người, và một bổ sung tuyệt vời cho những thể chế chính thức (như luật và hợp đồng) trong việc duy trì nguyên tắc “có đi có lại” cho xã hội. Theo Simmel, con người còn có cả cảm giác biết ơn với những nghệ sĩ, nhà chính trị thậm chí họ chưa gặp mặt bao giờ, những người mà qua những hành động gián tiếp có lợi cho họ. Như vậy, lòng biết ơn theo Simmel thì vượt qua những vật chất mà mở rộng qua những thứ phi vật chất như tình yêu, sự ủng hộ, hoặc truyền cảm hứng. Quan trọng hơn, lòng biết ơn có được từ những món quà mà không thể đáp trả lại (như mạng sống) thì tạo ra sự trung thành và nghĩa vụ trọn đời.
Tài liệu tham khảo:
[1] Lambert, N. M., Graham, S. M., & Fincham, F. D. (2009). A prototype analysis of gratitude: Varieties of gratitude experiences. Personality and Social Psychology Bulletin, 35, 1193–1207
[2] Wood, A. M., Froh, J. J., & Geraghty, A. W. A. (2010). Gratitude and well-being: A review and theoretical Integration. Clinical Psychology Review, 30, 890–905
[3] McCullough, M. E., Kilpatrick, S. D., Emmons, R. A., & Larson, D. B.(2001). Is gratitude a moral affect? Psychological Bulletin, 127, 249–266
[4] Nowak, M. A. (2006). Five rules for the evolution of cooperation. Science, 314, 1560–1563
[5] Algoe, S. B. (2012). Find, remind, and bind: The functions of gratitude in everyday relationships. Social and Personality Psychology Compass, 6, 455–469
[6] McCullough, M.E., Kilpatrick, S.D., Emmons, R.A., & Larson, D.B. (2001). Is gratitude a moral affect? Psychological Bulletin, 127, 249-266
[7] Fredrickson, B. L. (2004a). Gratitude, like other positive emotions, broadens and builds. In R. A. Emmons & M. E. McCullough (Eds.), The psychology of gratitude (pp. 144–166). New York, NY: Oxford University Press.
[8] McCullough, M.E., Kilpatrick, S.D., Emmons, R.A., & Larson, D.B. (2001). Is gratitude a moral affect? Psychological Bulletin, 127, 249-266
[9] Bartlett, M.Y., & DeSteno, D. (2006). Gratitude and prosocial behavior: Helping when it costs you. Psychological Science, 17, 319-325.
[10] Simmel, G. (1950). The sociology of Georg Simmel. Glencoe, IL: Free Press
[11] Gouldner, A. W. (1960). The norm of reciprocity: A preliminary statement. American Sociological Review, 25, 161—178