Duy ý chí phá tan giấc mơ kinh tế hợp tác

in Cộng Đồng

Xóm Đông nằm cách trung tâm xã 5 km, chợ trung trung tâm huyện 16 km. Xóm có 130 hộ gia đình, trong đó có 40 hộ nghèo. Xóm Đông được tổ chức phi chính phủ SIDO chọn làm dự án điểm từ năm 2008 và kéo dài cho đến năm 2013 thì kết thúc. Cũng giống như các vùng dự án khác, SIDO giúp thành lập Tổ hợp tác mà thành viên là những hộ gia đình có cùng sở thích về lợn nái, lợn thịt, gà cũng như trồng trọt. Với niềm tin vào sự hợp tác và kinh tế tập thể nên cán bộ dự án cũng như chính quyền địa phương rất quan tâm và hỗ trợ phát triển các Tổ hợp tác. Các khóa tập huấn kỹ thuật, mở rộng thị trường, phát triển tổ chức, và lãnh đạo nhóm đã được cung cấp cho người dân. Các chuyến giám sát, đánh giá của cán bộ luôn có nội dung hoạt động tổ nhóm. Chỉ sau hai năm hoạt động, đến cuối năm 2010 đã có 10 Tổ hợp tác hoạt động nề nếp, và các hoạt động dự án được triển khai qua tổ nhóm được đánh giá là thành công.


Ảnh: Nông dân Khmer đổi công giúp nhau thu hoạch lúa (nguồn: văn hóa của mình)

Năm 2010 đại diện lãnh đạo của Tổ hợp tác được mời đi dự hội nghị đánh giá hoạt động kinh tế tập thể và hợp tác xã của Tỉnh. Trong cuộc họp này lãnh đạo chi cục Hợp tác xã (HTX) có gợi ý cho các Tổ hợp tác của xóm Đông chuyển đổi thành Hợp tác xã. Cán bộ phòng nông nghiệp Huyện cũng động viên và thuyết phục các Tổ hợp tác chuyển đổi. Uỷ ban nhân dân (UBND) huyện mời lãnh đạo các Tổ hợp tác đi học về Luật hợp tác xã và có nhiều cuộc trao đổi với UBND xã. Tại thời điểm đó, phân tích chung là việc Tổ hợp tác xóm Đông chuyển đổi thành Hợp tác xã có lợi cho cộng đồng, có lợi cho hệ thống và có lợi cho chính sách của Đảng và Nhà Nước. Chính vì vậy dự án cũng như các Tổ hợp tác đã thuyết phục được cả 130 hộ gia đình xóm Đông tham gia thành lập HTX. Quyết định này nhận được sự ủng hộ của UBND xã, phòng nông nghiệp huyện, UBND huyện và Huyện Uỷ.

Ngày 10 tháng 5 năm 2011 toàn bộ các Tổ hợp tác của xóm Đông chính thức chuyển thành HTX. Ông Trần Văn Bát,  chủ nhiệm Tổ hợp tác nuôi lợn nái được bầu làm chủ nhiệm HTX. Ông Bát học hết cấp II, thoát ly đi làm công an và học bổ túc hết cấp III. Ông công tác ở công an tỉnh 6 năm sau đó về xã làm công an xã đến khi được bầu là chủ nhiệm Tổ hợp tác nuôi lợn nái vào năm 2008. Ông đã tham gia nhiều khoá tập huấn khác nhau cho cán bộ của HTX và các khoá học về quản lý và lập kế hoạch do SIDO cung cấp.

HTX xóm Đông quyết định cung cấp hai dịch vụ: phân bón và thuỷ lợi. Hai hoạt động này do dân đưa ra dựa vào nhu cầu sản xuất của mình (phân bón và nước tưới). Để tạo vốn kinh doanh, mỗi gia đình thành viên HTX phải đóng góp 200.000 đồng. Tuy nhiên, có nhiều hộ nghèo phải đóng trong một năm mới đủ. Lượng kinh phí này rất ít ỏi (26 triệu đồng) và không đủ để cho HTX kinh doanh. Ban quản lý HXT cũng không dám vay vốn ngân hàng vì lãi suất cao và việc vay vốn từ ngân hành thương mại cũng không dễ dàng.

Tháng 10 năm 2011, HTX quyết định mua 20 tấn phân của công ty vật tư huyện (chịu 90%) mang về bán chịu cho dân. Theo thoả thuận, tháng 5 năm 2012 sẽ phải thanh toán tiền cho công ty để tháng 6 có thể lấy tiếp phân bán cho vụ sau. Tuy nhiên, do nhiều gia đình khó khăn không trả được tiền nên đến hạn thì dân vẫn nợ 60 triệu đồng. Ban quản lý HXT phải làm hợp đồng khất nợ với công ty. Cuối cùng, với nỗ lực thu hồi vốn của BQL  thì đến tháng 9 năm 2012 cũng gom đủ tiền trả hết nợ. Sau đó, HTX không tham gia hoạt động kinh doanh nữa và ngừng hoạt động vào năm 2012.

HTX xóm Đông không thành công nhưng hoạt định kinh doanh của hộ tư nhân vẫn tiến triển tốt. Anh Nguyễn Văn Lịch làm kinh doanh phân bón và thuốc trừ sâu bằng cách mua chịu của công ty vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc sâu) cung cấp cho 400 khách hàng ở xóm Đông và các xóm xung quanh. Khoảng 70% khách hàng mua chịu theo vụ (5 tháng). Một số trường hợp trả muộn, anh Lịch phải theo sát vận động và động viên để người dân trả tiền. Ai không có tiền trả, họ có thể thanh toán bằng củi, gà, chè, công, v.v. Hiện vốn quay vòng của anh Lịch phải được 400 triệu đồng và gia đình đang muốn mở rộng mặt hàng kinh doanh qua thuốc thú y, chữa trị bệnh gia súc tại thôn, cung cấp đồ điện, v.v. Với anh Lịch, vấn đề quan trọng là phải nắm bắt được nhu cầu người dân và linh hoạt trong hình thức thanh toán cũng như quan hệ cộng đồng giúp đỡ lẫn nhau.

Trên thực tế, việc điều hành HTX rất khó khăn vì phải cạnh tranh liên tục với tư nhân về giá cả, về thời gian chịu tiền và hình thức thanh toán. Nhiều tư nhân mang tiền đến ứng trước cho người dân để tạo ràng buộc và mở rộng thị trường. Trong khi đó, ngoài trình độ quản lý kinh doanh BQL còn kém, việc ra quyết định cũng không thể nhanh bằng tư nhân vì phải thông qua BQL. HTX cũng phải chịu nhiều chi phí hơn vì có nhiều người tham gia quản lý từ khâu giám sát đến thu hồi vốn. Điều này càng khó khăn hơn khi giá cả thị trường thay đổi liên tục, cộng với lãi suất ngân hàng cao làm cho việc kinh doanh theo mô hình HTX thêm phần khó khăn.

HTX xóm Đông là một điển hình cho bức tranh kinh tế HXT ở tỉnh. Theo ông Đào Xuân Thịnh chi cục trưởng chi cục HTX chỉ có khoảng 25% trong tổng số 123 HXT của tỉnh hoạt động khá giỏi (lãi từ 10 triệu trở lên). Đa số lãnh đạo HTX là lớn tuổi, có uy tín trong cộng đồng nhưng không có kinh nghiệm và tư duy kinh doanh thị trường. Sau “cơn sốt” thành lập HTX phần nhiều mang tính thành tích, việc thành lập HTX giờ phải thận trọng hơn, không nên thiên về số lượng mà phải là chất lượng. Việc các HTX bị phá sản nhiều đã dẫn đến mất niềm tin vào kinh tế tập thể như ở xóm Đông, và kéo theo khoản nợ cho người dân.

Rõ ràng việc thành lập HTX kinh doanh phải dựa vào thực tế chứ không thể chủ quan duy ý chí. Bất cứ hình thức nào khi tham gia thị trường đều bị chi phối bởi những quy luật khắc nghiệt của nó. Nếu không hiệu quả anh sẽ bị gạt khỏi cuộc chơi. Hơn nữa, cần loại bỏ tư tưởng “tiến hóa” trong sản xuất kinh doanh với niềm tin tập hợp nông dân thì thiệu quả hơn hộ gia đình cá thể, từ Tổ nhóm nông dân sẽ “nâng cấp” thành Tổ hợp tác và từ Tổ hợp tác sẽ “phát triển” thành Hợp tác xã. Trên thực tế, mỗi hình thức tổ chức chỉ phù hợp với nhu cầu, năng lực của những người tham gia và nhu cầu của thị trường. Nếu cứng nhắc chạy theo thành tích kinh tế tập thể không những sẽ thất bại mà còn khoác thêm gánh nợ cho người dân và nền kinh tế quốc gia.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*