Bài viết nổi bật

Cải cách thể chế để phát triển

in Cộng Đồng

Trong vài thập kỷ gần đây diễn ngôn về phát triển thường tập trung vào một số vấn đề như “xây dựng nhà nước pháp quyền”, “dân chủ hóa”, “quản trị nhà nước”, “cải cách thị trường”, “phát triển xã hội dân sự và vốn xã hội.” Cho dù có sự khác biệt khá lớn về nội dung của những vấn đề phát triển này, dường như có một yếu tố quyết định đến sự thành công hoặc thất bại của cải cách: đó là năng lực thể chế của nhà nước. Thể chế nhà nước có một vai trò quyết định trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Điều quan trọng là làm sao xác định được các tố chất của một thể chế tốt để từ đó xây dựng một hệ thống thể chế hoạt động hiệu quả. Và quan trọng hơn, nghị trình cho việc xây dựng thể chế ở các nước đang phát triển nên là gì.


Ảnh: Vinashin làm ăn không hiệu quả (nguồn internet)

Tại sao thể chế nhà nước lại quan trọng như vậy?

Kinh nghiệm thực tế cho thấy một hệ thống thể chế yếu kém sẽ tạo ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết chúng. Thể chế ở các nước châu Phi như miêu tả của Kohli là “khả năng tập trung yếu kém, thiếu tính chính danh, phụ thuộc vào tính cách cá nhân của lãnh đạo, không bị kiềm chế bởi các luật, và một nền quản lý hành chính chất lượng tồi.” Theo Evans, Zaire là một điển hình của mô hình nhà nước mà ở đó giai cấp thống trị tham nhũng đã biến xã hội thành những con mồi của họ. Kết quả là trong mô hình nhà nước này nguồn lực trở nên lãng phí hoặc bị cướp bóc, dịch vụ công không được cung cấp, và không có việc bảo vệ quyền lợi về xã hội, tư pháp và kinh tế cho người dân, đặc biệt là người nghèo.

Theo Evans, các thể chế yếu kém sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề chứ không có khả năng giải quyết vấn đề. Họ thường xuyên ra những quyết định sai lầm về chính sách làm tồi tệ thêm nền kinh tế và phá hủy sinh kế của người dân, đặc biệt nông dân nghèo. Khi phân tích chính sách nông nghiệp của các nước châu Phi, Bates trong tác phẩm “Thị trường và nhà nước ở Châu phi nhiệt đới” đã nhận ra sai lầm của nhà nước khi triển khai các chính sách rút nguồn lực ra khỏi nông nghiệp. Như là hậu quả tất yếu, hàng triệu hộ nông dân đã phải sống trong đói nghèo. Theo báo cáo phát triển của UNDP năm 2000/2001, ở những quốc gia này thì sự phân bổ bất bình đẳng về quyền lực chính trị tương đồng với sự phân bổ quyền lực kinh tế. Và như vậy, cách vận hành của nhà nước sẽ đặc biệt không có lợi cho người nghèo.

Ngược lại, thể chế nhà nước tốt sẽ là chất xúc tác cho phát triển kinh tế. Nhiều lý thuyết và nghiên cứu thực nghiệm đã chỉ ra rằng quốc gia nào có thể chế nhà nước mạnh thì có khả năng đạt được mục tiêu phát triển của mình. Francis Fukuyama khẳng định “trước khi bạn có dân chủ hoặc phát triển kinh tế, bạn phải có nhà nước đã.” Hoff và Stiglitz, được trích dẫn bởi Peter Evans, đã khẳng định “phát triển không còn được xem như là quá trình tích lũy tư bản nữa mà được xem là một quá trình thay đổi tổ chức.” Theo các tác giả này thì thể chế quản trị công đã thay thế thị trường vốn và kỹ thuật để trở thành trung tâm của phát triển. Khung thể chế nhà nước sẽ tạo ra sự tương tác và tích hợp của ý tưởng, kỹ thuật và các yếu tố đầu vào khác như vốn, lao động để sản xuất ra kết quả kinh tế cao hơn. Nhiều nhà kinh tế, bao gồm cả Dani Rodrik, kết luận rằng “chất lượng của thể chế là chìa khóa mở ra các mô hình thịnh vượng trên khắp thế giới.” Vì thế các quốc gia đang phát triển “có rất ít lựa chọn mà phải dựa vào nhà nước để công nghiệp hóa”

Từ khía cạnh thực nghiệm, sự thành công của thể chế nhà nước thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Đông Á và sự thất bại của nhà nước ở các nơi khác trên thế giới đã được thể hiện bằng tỉ lệ đói nghèo trong báo cáo của UNDP. Theo báo cáo 2000/2001, “ở Đông Á số người sống dưới $1 một ngày đã giảm từ 420 triệu năm 1987 xuống 280 triệu năm 1998. Trong khi đó, ở Nam Mỹ, Nam Á và vùng Châu Phi thì số người nghèo lại gia tăng.” Rõ ràng là một hệ thống thể chế nhà nước mạnh đã thúc đẩy tăng trưởng và có ích cho việc xóa đói giảm nghèo và tái phân phối thu nhập.

Vậy, một thể chế nhà nước tốt là như thế nào?

Trong vài thập kỷ qua, vai trò của nhà nước trong phát triển đã được xem xét qua thời gian. Trong những năm 1960s, nhà nước trên thế giới, với hy vọng công nghiệp hóa, đã can thiệp sâu rộng vào mọi khía cạnh của nền kinh tế. Sự can thiệp quá đà này đã dẫn đến chủ nghĩa nhà nước và gây ra nhiều vấn đề kinh tế vĩ mô, mà đỉnh điểm là cuộc khủng hoảng nợ năm 1982. Như là hậu quả, Evans miêu tả “hình ảnh nhà nước như là một yếu tố thay đổi” đã được biến thành “hình ảnh nhà nước như là cản trở chính của phát triển.” Rõ ràng, cần phải kiểm định các đặc tính nào của thể chế nhà nước mạnh mà có ích cho tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo.  

Năng lực: Theo Evans, sự thành công của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan là nhờ vào năng lực của hệ thống thể chế nhà nước. Để xây dựng thể chế nhà nước tốt, các quốc gia này đã dựa vào việc tuyển chọn các nhân viên có năng lực, cam kết cho phát triển quốc gia và tạo cơ hội nghề nghiệp lâu dài như trong các tập đoàn kinh tế. Hệ thống thể chế mạnh của các quốc gia này đã điều phối các thành phần khác nhau trong nước, đàm phán hiệu quả với các đối tác nước ngoài. Theo Gereffi, việc quản lý hiệu quả viện trợ nước ngoài, thương mại quốc tế, đầu tư tư bản và các khoản vay phụ thuộc rất lớn vào năng lực của thể chế nhà nước. Vì thế, các quốc gia cần tập trung “vào năng lực của các thể chế nội địa để sử dụng nguồn lực ngoại nhập phục vụ cho sản xuất và đáp ứng nhu cầu ưu tiên của quốc gia.”  

Lựa chọn can thiệp: Theo Evans, các quốc gia phát triển có lợi lớn từ năng lực quản trị của thể chế, nhưng họ cũng hạn chế can thiệp của mình vào các dự án mang tính chiến lược và chuyển đổi. Ngược lại ở các nước đang phát triển có năng lực nhà nước yếu nhưng lại can thiệp một cách tràn lan vào các hoạt động kinh tế nên đã góp phần cho những thất bại tăng trưởng của nền kinh tế. Vì thế, chính phủ ở các nước đang phát triển nên ưu tiên lựa chọn sự can thiệp của mình vào hoạt động kinh tế, tránh làm nền kinh tế méo mó và biến dạng vì năng lực yếu hoặc lợi ích nhóm.

“Ăn sâu bén rễ” trong xã hội: Peter Evans nhấn mạnh đến sự gắn kết nhất quán của hệ thống hành chính công của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Một mạng lưới và quan hệ xã hội giữa các thành viên đã tạo ra một nền tảng cho sự tin tưởng và giúp cho quá trình thảo luận và ra quyết định tốt hơn. Mạng lưới này giúp giảm chi phí hoạt động và giao dịch giữa chính phủ, giới kinh doanh và các thành phần xã hội khác. Nó buộc nhà nước vào xã hội và cung cấp các kênh được thể chế hóa cho quá trình đàm phán và tái đàm phán về mục đích chính sách và phát triển. Kohli thừa nhận chính trị cố kết, cấu trúc quyền lực có chủ đích và tập trung thường được “ăn sâu bén rễ” vào trong xã hội như là một điều kiện tất yếu cho thành công của các thể chế nhà nước. Chính sự hòa nhập và bám rễ này đã đảm bảo xã hội dân sự trở thành một phần của giải pháp hơn là một phần của vấn đề trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội.

Cởi mở và tính trách nhiệm: Tiềm năng tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo phụ thuộc rất lớn vào nhà nước và các thể chế xã hội. Một trong những yếu tố cần phải được nhận ra đó là tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các thể chế nhà nước. Trong báo cáo phát triển của mình, UNDP nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xây dựng các thể chế minh bạch và các cơ chế tham gia dân chủ. Đây chính là điều kiện cho các thể chế của nhà nước triển khai các chính sách hiệu quả, không bị tham nhũng hoặc lạm dụng quyền hành. Kết quả sẽ là cải thiện trong việc cung cấp dịch vụ công của chính phủ và thúc đẩy tăng trưởng của thành phần kinh tế tư nhân.

Tuy nhiên, việc xây dựng thể chế nhà nước là một nhiệm vụ khó khăn cho các quốc gia phát triển cho dù có ủng hộ và tài trợ của các nhà tài trợ song phương, các tổ chức đa phương và phi chính phủ quốc tế. Cải tổ thể chế có nghĩa là động chạm đến hầu hết các khía cạnh của lĩnh vực công trong khi đó thì nguồn lực để triển khai luôn có giới hạn. Theo Grindle thì thể chế của các nước đang phát triển rất yếu, dễ bị đổ vỡ và không hoàn thiện. Quá trình ra quyết định lại bị hạn chế bới các yêu cầu của các nhà tài trợ với các mục đích khác nhau. Các nhân viên làm cho chính phủ lại ít được đào tạo. Xã hội dân sự thì manh mún, chia rẽ và khả năng tham gia hiệu quả cũng rất hạn chế.

Một thách thức nữa đó là lợi ích nhóm dẫn đến những tranh chấp cản trở quá trình cải tổ thể chế. Các nhóm lợi ích sẽ tổ chức nhau để thúc đẩy hoặc cản trở một chính sách cải tổ nào đó tùy thuộc vào việc có lợi hay gây hại cho lợi ích của họ. Trong nhiều trường hợp, các nhóm lợi ích đã thành công trong việc cản trở chính sách cải tổ. Evans cho rằng khó khăn trong việc thay đổi hiện trạng là do sự phân bổ của lợi ích và mất mát. Các nhóm được lợi từ hiện trạng sẽ tìm mọi cách để cản trở cải tổ cho dù cải tổ có thể mang lại lợi ích tuyệt đối lớn hơn cho họ. Như vậy, để cải tổ thành công thì phải thắng được các phản đối về cả kinh tế lẫn chính trị.

Cải tổ thể chế nhà nước là một việc phức tạp, khó khăn và là một dự án của cả thập kỷ. Tuy nhiên, nâng cao năng lực hoạt động của thể chế nhà nước là điều kiện cho phát triển kinh tế và xã hội. Làm sao để nhà nước là giải pháp của phát triển hơn là vấn đề của phát triển là mục tiêu của thời đại. Có lẽ, một vài nguyên tắc cho cải cách thể chế cần phải được lưu ý và tất nhiên nó nên được hiểu là gợi ý để thảo luận hơn là giải pháp để triển khai.

Trước tiên, thể chế phải được xây dựng bởi một quá trình nội sinh. Không thể áp đặt việc xây dựng thể chế bằng ý chí chủ quan từ bên trên hoặc áp đặt từ bên ngoài, nếu không thể chế sẽ không bền vững và không nhạy cảm với nhu cầu của người dân. Theo Francis Fukuyama, “tính nhà nước được cung cấp bởi người ngoài thường làm giảm khả năng của các thành phần nội địa trong việc tạo ra các thể chế lành mạnh. Nếu thể chế được xây dựng mà phụ thuộc vào bên ngoài sẽ tạo ra sự lệ thuộc, và thậm chí không còn tính chính danh đối với người dân địa phương.”

Quá trình xây dựng các thể chế xã hội của hệ thống xã hội chủ nghĩa đã khẳng định sự thất bại của sự áp đặt ý chí từ bên trên. Theo Scott, đó là do “việc thiết kế máy móc cho cuộc sống và sản xuất thường làm giảm kỹ năng, sự lanh lợi, tính tự khởi sướng và chí khí của cộng đồng hưởng lợi.” Thiết kế này thường làm giảm vốn con người của lực lượng lao động. Theo ông, một thể chế được hình thành qua quá trình tích hợp các ý tưởng của những người tham gia sẽ làm tăng năng lực, kinh nghiệm và kỹ năng.”

Theo Rodrik, “không có một khuôn mẫu hoặc cách làm phổ quát cho việc xây dựng thể chế. Tùy vào mỗi quốc gia xây dựng và triển khai quá trình cải cách thể chế cho phù hợp với điều kiện và nhu cầu của mình. Evans phê phán sự áp đặt bất cứ một mô hình thể chế nào nên các quốc gia bởi các nhà tài trợ đa phương. Ông phê phán các nhà kinh tế, bao gồm Dani Rodrik và Amartya Sen, và cho rằng mô hình thể chế của các nước phương tây là không phù hợp vì sự khác biệt về văn hóa, chính trị và điều kiện kinh tế. Điều quan trọng là phải cổ xúy cho thể chế cải thiện được năng lực của công dân tự ra quyết định cho mình hơn là thỏa mãn nhu cầu của các nhà tài trợ bên ngoài.

Tuy nhiên, Evans đồng ý với Sen trong vai trò quan trọng của sự tham gia của người dân bản địa trong quá trình xây dựng và ra quyết định. Một khi thể chế gắn liền và là một phần của xã hội và có mối quan hệ gần gũi với các thành phần khác nhau thì nhà nươc có khả năng phản ứng với những thay đổi và đáp ứng nhu cầu của người dân. Hơn nữa, trong quá trình này người dân bình thường và những nhóm thiệt thòi hơn có khả năng lên tiếng, đưa nhu cầu của họ ra và phản đối những chính sách gây hại cho họ. Như Tilly đã nói, quá trình này sẽ tạo ra “người bảo vệ quyền, cơ chế đại diện và tòa án cho người nghèo.” Theo Evans, “các thể chế được xây dựng có sự tham gia tạo ra sự bình đẳng tốt hơn… mà không tạo ra chi phí cho tăng trưởng kinh tế, và tạo ra sự ổn định và khả năng đối phó và hồi phục với khủng hoảng tốt hơn.” Một quá trình có sự tham gia cũng tạo ra sự minh bạch và tính trách nhiệm cao hơn cho các thể chế nhà nước.

Như vậy, các thể chế nhà nước nên đóng vai trò trung tâm trong việc tạo ra các thảo luận xã hội. Quan điểm này cũng được chia sẻ bởi Houtzager and Moor (2003) bởi “việc không có điều phối và thiếu tập trung của các hành động của xã hội dân sự là không đủ cho việc hình thành các thể chế bền vững và hiệu quả.” Theo họ, việc này cũng giúp cho các thể chế nhà nước có thêm tính chính danh, quyền hạn và nhờ sự tham gia của các thành phần xã hội vào quá trình đàm phán chính trị. UNDP cũng khuyến khích các thể chế nhà nước mời các lực lượng khác tham gia vào quá trình cải cách vì việc này sẽ tạo ra lợi ích chính trị to lớn cho chính phủ vì họ có tính chính danh và sự ủng hộ của quần chúng – đây là điều cần thiết cho cải cách thể chế.

Tuy nhiên, do tầm quan trọng của chất lượng thể chế đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển nên dễ dẫn đến sự tham vọng của các chương trình cải cách thể chế. Chính vì vậy Rodrik gợi ý không cần thiết phải bắt đầu một sự chuyển đổi diện rộng để đạt được sự tăng trưởng kinh tế. Thay vào đó, nhà nước nên nhận biết một số cản trở quan trọng tập trung tháo gỡ để khơi thông những “nút cổ chai” trong vận hành kinh tế. Theo ông, một danh sách dài các đầu việc để cái cách thể chế đưa ra bởi các nhà tài trợ sẽ không nhất thiết mang lại tăng trưởng. Đồng ý với quan điểm này Grindle vận động cho “quản trị đủ tốt” như là mục đích của cái cách thể chế mà các nước phát triển và các nhà tài trợ nên theo đuổi, đó là một hoạt động chấp nhận được của chính phủ và sự tham gia của xã hội dân sự vừa đủ để không làm cản trợ sự phát triển kinh tế và tham gia chính trị, với khả năng tạo ra ảnh hưởng tích cực cho xóa đói giảm nghèo. Đây là cách tiếp cận thực dụng với một thực tế là không phải tất cả các điều tốt đẹp đều có thể đạt được cùng một lúc.

Gương soi cho Đảng cầm quyền

in Cộng Đồng

Các học giả và nhiều nhà hoạt động xã hội trong quá trình góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 hay nhắc đến các khái niệm như tam quyền phân lập, độc đảng và đa đảng, vị trí của quân đội, tinh thần giai cấp, và vai trò của xã hội dân sự. Tuy nhiên, các khái niệm này đang còn xa lạ với đại bộ phận quần chúng nhân dân, thậm chí nhiều người không hiểu hoặc không quan tâm đến các cuộc tranh luận này.

Nhân dân để ý đến những gì xảy ra xung quanh cuộc sống của họ, ảnh hưởng đến cá nhân và gia đình họ. Nhân dân sử dụng những chỉ số đơn giản, thiết thực để soi ngược lại xem chính quyền có thực sự là “của dân, do dân và vì dân” hay không.


Ảnh: một người dân thủ đô Hà Nôi tìm hiểu văn hóa dân tộc qua các tấm ảnh. Nguồn: iSEE

Với đa số đại bộ phận nhân dân điều quan trọng là khi đến cơ quan công quyền họ có được đón tiếp tử tế hay không. Đón họ là bộ mặt cau có hay nụ cười niềm nở, là sự nhiệt tình hướng dẫn hay quát tháo, là đơn giản nhanh gọn hay phiền hà nhũng nhiễu, là “phong bì dẫn đường” hay “công bằng chỉ lối”. Với nhân dân, thái độ của cán bộ ở các cơ quan công quyền cho họ biết rõ nhất sự phù hợp của thể chế hiện có.

Khi ra đường,  nhân dân xem công an phân làn khi xe tắc, bắt cướp khi dân la, trấn áp tội phạm, đảm bảo kỷ cương để người tốt được bảo vệ, kẻ xấu bị trừng phạt hay không. Nhân dân coi sự trong sạch và công minh của lực lượng an ninh là sự trong sạch và công minh của nhà cầm quyền.

Nhìn vào các vụ xét xử nhân dân xem kẻ có chức có quyền có bị phạt đồng mức với người nông dân chân lấm tay bùn khi họ phạm cùng một tội hay không. Đây chính là tấm gương phản chiếu xem pháp luật có thực sự bảo vệ sự bình đẳng của mọi công dân hay sinh ra để bảo vệ lợi ích của nhóm nhà giàu và quan chức.

Khi vào bệnh viện, nhân dân xem sức khỏe cuả mình có được chăm sóc tốt hay không. Nhà nước có kiểm soát được dịch bệnh truyền nhiễm, an toàn thực phẩm hay hóa chất gây ung thư ảnh hưởng đến nòi giống. Sự buông lỏng hay quyết tâm không khoan nhượng của nhà chức trách là biểu hiện rõ nhất về sự trùng lặp hay lệch pha giữa ưu tiên của chính quyền và ưu tiên của nhân dân.

Họ xem xét tương lai con cái mình có được chuẩn bị tốt hay không, có được học những điều phổ quát để không thành dị biệt, những kỹ năng hiện đại để có thể làm trong môi trường mở toàn cầu. Họ muốn biết nhà trường thúc đẩy khả năng tư duy độc lập, tự do biểu đạt, tình yêu thương nhân loại hay chỉ là đấu tranh giai cấp, kỳ thị khác biệt hay luồn lách thành tích cá nhân. Giáo dục chính là chỉ số soi vào cả tâm và tầm của nhà cầm quyền vì giáo dục tốt là chìa khóa cho phát triển cá nhân và hưng thịnh của đất nước. Không có chính quyền nào tốt nếu không đảm bảo tự do và chất lượng giáo dục cho nhân dân mình.

Nhân dân quan tâm xem con cháu họ được thừa hưởng tài sản kinh tế vững mạnh, tài nguyên môi trường trong sạch, văn hóa giàu có hay những khoản nợ quốc gia phải trả, tài nguyên suy kiệt, môi trường ô nhiễm, đạo đức suy đồi. Nhìn vào đó, họ biết nhà nước lo cho tương lai của dân tộc hay chỉ lo cho lợi ích của những kẻ đục khoét nhân dân.

Nhân dân quan tâm xem mình làm việc vất vả, chân thành thì có cơ hội thành công hay không. Họ muốn biết thành quả lao động của mình, sáng kiến và phát minh của mình, tài sản và đất đai của mình có được bảo vệ hay không. Với họ, Đảng cầm quyền là tốt khi không ai dù có quyền lực hay quan hệ với người có quyền lực tước đoạt được các khoản đầu tư và mồ hôi nước mắt của họ.

Nhân dân xem mình được góp tiếng nói xây dựng cuộc sống, xây dựng đất nước của mình hay không. Người đại diện của họ có lắng nghe cho dù đó là điều trái chiều hay khác biệt. Con người khác với con vật là họ có nhân phẩm, có trách nhiệm và có khát khao được tự do và tôn trọng ý kiến. Chính vì vậy Đảng nào lãnh đạo đâu có quan trọng nếu nhân phẩm của họ được tôn trọng và tiếng nói của họ được lắng  nghe và thực thi.

Những cuộc tranh luận lý thuyết là cần thiết để tìm ra con đường đi đúng đắn cho dân tộc. Nhưng mô hình gì, thể chế gì, tư tưởng gì thì cuối cùng đều phải phục vụ cuộc sống của nhân dân. Nếu nhân dân có cuộc sống an toàn, cảm giác được tôn trọng, và được tham gia vào cuộc sống cộng đồng, lạc quan về một tương lai tốt đẹp hơn cho con cháu họ thì đó là mô hình đúng, thể chế đúng và tư tưởng đúng. Đây cũng chính là gương soi cho Đảng cầm quyền trong sứ mệnh phụng sự nhân dân và dân tộc.

Xã hội dân sự giúp lựa chọn lãnh đạo đúng

in Cộng Đồng

Để nhân dân sống và làm việc theo pháp luật thì pháp luật phải phục vụ nhân dân và phản ánh cuộc sống. Nếu pháp luật chỉ phản ánh ý chí của một nhóm người cầm quyền thì chắc chắn pháp luật sẽ “không đi vào cuộc sống”, ngược lại nó còn tù túng xã hội và gặp phải sự chống đối của người dân. Một ví dụ trước đây là việc “tập thể hóa” tư liệu sản xuất dẫn đến “làm chơi ăn thật” trên mảnh ruộng chung của Hợp tác xã, hậu quả là sản lượng sụt giảm và đói kém tràn lan. Sự chống đối “trường kỳ” của người dân đã làm sụp đổ mô hình kinh tế quan liêu bao cấp, mở ra nền kinh tế thị trường đa thành phần phù hợp hơn.


Ảnh: chương trình nghệ thuật chào mừng ngày bầu cử quốc hội khóa VIII. Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam

Để pháp luật phục vụ người dân thì người dân phải tham gia và quyết định “luật lệ” của mình trực tiếp hay gián tiếp qua người đại diện. Một nguyên tắc quan trọng đó là trao quyền quyết định cho người liên quan trực tiếp và hiểu vấn đề nhất. Ví dụ vấn đề của tổ dân phố phải do người ở tổ dân phố đó quyết định. Nếu không bệnh “quan liêu” sẽ phát sinh vì quyết định do một ai đó xa xôi hay “ngồi trên trời” ban hành. Ngồi “trên trời” và không bị ảnh hưởng bởi quyết định của mình nên dẫn đến vô trách nhiệm và người lĩnh đủ là cộng đồng nhân dân.

Ngoài việc trao quyền quyết định cho người hiểu vấn đề nhất và gần gũi với cộng đồng bị ảnh hưởng nhất thì cần thêm hai yếu tố nữa để chính sách hợp lòng dân. Một là cộng đồng cần chọn được người lãnh đạo tài giỏi có tâm và có tầm, đặc biệt là có trách nhiệm với lợi ích của mình. Hai là người lãnh đạo phải bị giám sát bởi nhân dân thông qua các cơ quan đại diện của mình và qua các kênh thông tin đại chúng.

Để chọn được người tài thì phải có bầu cử cạnh tranh – nghĩa là có nhiều người khác nhau ứng cử vào một vị trí. Nhân dân chỉ có thể đánh giá tâm, tầm của ứng viên khi ứng viên được tự do thể hiện, tranh luận và bày tỏ quan điểm của mình. Tâm tầm của một ứng viên không chỉ đơn giản là những gì người đó nói ra khi tranh cử, mà quan trọng hơn đó là lịch sử hoạt động của người đó từ trước đến nay có trong sạch hay không. Họ có lợi ích cá nhân gì mâu thuẫn với lợi ích của cộng đồng mà họ đang muốn đại diện hay không. Ví như, nếu một đại biểu quốc hội là doanh nhân thì liệu quyết định của họ có khách quan hay họ sẽ đặt lợi ích của doanh nghiệp lên trên lợi ích của cộng đồng. Chính vì vậy, ở nhiều nước nếu doanh nhân tham gia làm chính trị họ phải từ bỏ lợi ích của mình trong doanh nghiệp liên quan trực tiếp đến lĩnh vực họ chịu trách nhiệm.

Điều này chỉ có được khi xã hội có các nguồn thông tin đa chiều, độc lập và khách quan về các ứng viên. Môi trường này chỉ có được nếu có tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do báo chí. Tự do ngôn luận để các ứng viên có thể tranh luận về quan điểm, triết lý và chiến lược lãnh đạo của mình; để người dân có thể thách thức và kiểm chứng tính liêm chính và tài năng của ứng viên.

Tự do lập hội để các nhóm dân cư có chung lợi ích bầu được ra người đại diện thiết thân của mình. Hội là nơi giám sát lãnh đạo chính trị tốt nhất và bảo vệ quyền lợi của hội viên tốt nhất. Hơn nữa, tự do lập hội cũng tạo ra môi trường cạnh tranh, nuôi dưỡng nhân tài để cung cấp nguồn lãnh đạo cho cộng đồng và đất nước..

Tự do báo chí để thông tin được phổ biến đến mọi người, các ý kiến đa dạng và trái chiều được thảo luận công khai trên diện rộng đảm bảo mọi người được thông tin để ra quyết định tốt nhất khi lựa chọn lãnh đạo cho mình. Hơn nữa, tự do báo chí cũng giúp tạo “dư luận xã hội” để giám sát những người đại biểu nhân dân và giúp lãnh đạo hiểu được thái độ và mong đợi của nhân dân.

Như vậy, tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do báo chí là điều kiện cần thiết để cho xã hội dân sự phát triển. Xã hội dân sự phát triển sẽ tạo ra “dung môi” để cho các hoạt động chính trị, xã hội và kinh tế suôn sẻ và hiệu quả hơn. Do đó, để nhân dân có thể chọn được người lãnh đạo tốt cho mình, ngoài việc quy định các nguyên tắc bầu cử tự do, phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiểu kín và xây dựng Hội đồng bầu cử như một quan hiến định, hoạt động độc lập thì Hiến pháp cần bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do báo chí. Đây chính là điều kiện để thiết lập một môi trường minh bạch và đa chiều, tự do và cạnh tranh để nhân dân lựa chọn và giám sát người đại diện tốt nhất của mình. 

Triển vọng thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia ở Việt Nam

in Cộng Đồng

Theo một tài liệu của Liên hợp quốc, “cơ quan nhân quyền quốc gia’ (tiếng Anh: National Human Rights Institutions (NHRIs), hoặc National Institutions for Protection and Promotion of Human Rights) là một cơ quan (body) được giao những chức năng cụ thể trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền.  Một định nghĩa cụ thể hơn của Văn phòng Cao uỷ Liên hợp quốc về nhân quyền thì nêu rằng: “Cơ quan nhân quyền quốc gia là những cơ quan nhà nước có thẩm quyền hiến định và/hoặc luật định trong việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người. Các cơ quan này là một phần của bộ máy nhà nước và được nhà nước cung cấp kinh phí hoạt động”.  Như vậy, NHRIs không phải là một tổ chức phi chính phủ (NGOs) như đôi khi bị nhầm tưởng, tuy hoạt động của các cơ quan này thường rất gắn bó với các NGOs, và trong thành phần tổ chức của chúng thường có đại diện của các NGOs.


Ảnh: một phiên họp của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc ở Geneva, Thụy Sĩ. Nguồn: Hội đồng nhân quyền LHQ

Tuy nhiên, các NHRIs có một vị thế đặc biệt, không giống với các cơ quan nhà nước thông thường khác. Những NHRIs không phải là một cấu phần và cũng không nằm dưới sự điều hành trực tiếp của bất cứ cơ quan nào trong các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp (tuy chúng có  trách nhiệm giải trình và có thể được “gắn” với một hoặc một số cơ quan nhà nước đó). Ngoài ra, mặc dù là các cơ quan quốc gia, song việc thành lập và hoạt động của các NHRIs phải tuân thủ Các nguyên tắc Pa-ri về vị thế của các cơ quan nhân quyền quốc gia (Các Nguyên tắc Pa-ri),  trong đó một trong số các nguyên tắc quan trọng nhất đó là các NHRIs phải có tính độc lập với các cơ quan nhà nước khác và có sự tham gia của đại diện từ nhiều thành phần và nhóm xã hội khác nhau. Chính vì vậy, các NHRIs còn được xem là một quasi-governmental agency – tức là một cơ quan gần như chứ không hoàn toàn là cơ quan nhà nước.

Có những động lực và sức ép từ cả bên trong và bên ngoài các quốc gia thúc đẩy việc thành lập các NHRIs. Trên phương diện quốc tế, ngay từ khi thành lập, Liên hợp quốc đã quan tâm và có nhu cầu tiếp nhận sự trợ giúp của càng nhiều càng tốt các chủ thể ở nhiều cấp độ (quốc tế, khu vực, quốc gia) vào hoạt động bảo vệ, thúc đẩy nhân quyền. Điều này dẫn tới việc vào năm 1946, Hội đồng Kinh tế-Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) đã yêu cầu các quốc gia thành viên thành lập các nhóm hoặc ủy ban nhân quyền để phối hợp hoạt động với Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc (nay đã được thay thế bởi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc). Năm 2005, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 2005/74 tái khẳng định sự quan trọng của việc thành lập và tăng cường tính độc lập và tính đại diện đa thành phần của các NHRIs, cũng như sự hợp tác giữa các cơ quan này trên thế giới.

Ở cấp độ quốc gia, các nhà nước đóng vai trò kép – vừa là chủ thể có nghĩa vụ chính trong việc bảo vệ, thúc đẩy nhân quyền, vừa là thủ phạm chính của các vi phạm nhân quyền – vì vậy, cần một cơ quan tư vấn có tính độc lập tương đối để góp ý và trợ giúp. Các NHRIs được thiết lập để đóng vai trò đó. Những cơ quan đặc biệt này giúp cân bằng giữa hai thái cực: sự quá hữu (bảo thủ, trì trệ..) của các cơ quan nhà nước và sự quá tả (cực đoan, một chiều…) của các tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực nhân quyền.

Mô hình các cơ quan nhân quyền quốc gia

Trên thực tế, không có một mô hình chung về NHRIs cho các quốc gia. Mỗi nước có những mô hình NHRIs khác nhau (về tên gọi, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ…; tuy nhiên, các NHRIs thông thường được thiết lập theo ba hình thức chủ yếu đó là: (i) Cơ quan thanh tra Quốc Hội (Ombudsman); Ủy ban nhân quyền quốc gia (National Human Rights Commission/Committee); (iii) Cơ quan chuyên trách về một vấn đề nhân quyền cụ thể (Specialized Institutions).

Các Ủy ban nhân quyền quốc gia thông thường thuộc nhánh hành pháp, do Chính phủ thành lập nhưng có tính độc lập tương đối với các cơ quan hành pháp khác và có thể có nhiệm vụ báo cáo thường kỳ với cơ quan lập pháp. Ủy viên của các ủy ban nhân quyền quốc gia có thể có chuyên môn khác nhau, tuy nhiên đều phải có uy tín, kinh nghiệm, được bầu ra trên cơ sở tính đến tính đại diện cho vùng, miền, nhóm người, đảng phái…của quốc gia.

Các Cơ quan Thanh tra Quốc hội thông thường thuộc nhánh lập pháp, được Nghị viện thành lập nhưng có tính độc lập tương đối với Nghị viện. Về bản chất, Thanh tra Quốc hội không phải là cơ quan giám sát nhánh hành pháp, mà chỉ đóng vai trò là cơ quan trung gian giữa các cá nhân và các chính phủ (giống các ủy ban nhân quyền) trong các vấn đề nhân quyền. Chức năng chính của Cơ quan Thanh tra Quốc hội là bảo vệ sự công bằng và tính pháp lý trong hoạt động hành chính công (bao gồm nhưng rộng hơn việc bảo vệ quyền con người). Cơ quan Thanh tra Quốc hội có thể là một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân (văn phòng/cơ quan thanh tra Quốc Hội). Mặc dù các Cơ quan Thanh tra Quốc hội trên thế giới không hoàn toàn giống nhau về cách thức tổ chức nhưng khá đồng nhất về chức năng, nhiệm vụ và thủ tục hoạt động.

Ngoài hai dạng phổ biến kể trên, ở một số nước còn thành lập các cơ quan chuyên trách về một vấn đề nhân quyền cụ thể hoặc quyền của một số nhóm xã hội nhất định, cụ thể như các ủy ban quốc gia về người thiểu số, người bản địa, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người lao động di trú…

Mặc dù tồn tại dưới nhiều hình thức, song các NHRIs đều tuân thủ những nguyên tắc chung về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhân quyền quốc gia (Các Nguyên tắc Pa-ri). Các Nguyên tắc Pa-ri là một văn kiện quốc tế có tính khuyến nghị (không có hiệu lực ràng buộc về pháp lý), được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua theo Nghị quyết 48/134 ngày 20/12/1993 tại thủ đô nước Pháp, trong đó xác định một tập hợp những nguyên tắc nền tảng cho việc thành lập, tổ chức và hoạt động của các NHRIs trên thế giới.  Văn kiện này đề cập đến các vấn đề: Thẩm quyền và trách nhiệm của NHRIs; Cơ cấu tổ chức và những bảo đảm về tính độc lập và đa nguyên của NHRIs; Những cách thức hoạt động của NHRIs; Các nguyên tắc bổ sung liên quan đến vị thế của NHRIs có thẩm quyền xử lý những khiếu nại vi phạm nhân quyền.

Về thẩm quyền, theo Các Nguyên tắc Pa-ri, các NHRIs phải được pháp luật quốc gia giao quyền và nhiệm vụ thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền càng rộng càng tốt. Về chức năng, các NHRIs đóng vai trò: Tư vấn (theo yêu cầu) cho Chính phủ, Nghị viện và các cơ quan nhà nước khác về các vấn đề lập pháp, hành pháp, tư pháp và thực tiễn liên quan đến bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền; Soạn thảo và cung cấp cho các cơ quan kể trên báo cáo về tình hình nhân quyền quốc gia (khái quát và trên những vấn đề cụ thể); Thúc đẩy việc bảo đảm sự hài hòa của pháp luật và thực tiễn quốc gia với các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền; Vận động nhà nước tham gia các điều ước quốc tế về nhân quyền; Hỗ trợ xây dựng các báo cáo quốc gia về nhân quyền trình các cơ quan Liên hợp quốc; Hợp tác với các cơ quan nhân quyền của Liên hợp quốc và các cơ quan, tổ chức quốc gia hoạt động trên lĩnh vực nhân quyền; Hỗ trợ xây dựng các chương trình nghiên cứu, giảng dạy nhân quyền ở quốc gia; Phổ biến kiến thức, thông tin về nhân quyền.

Về thành phần, các NHRIs thường bao gồm đại diện của nhiều tầng lớp, nhóm lợi ích trong xã hội, ví dụ như các NGOs hoạt động trên lĩnh vực nhân quyền và chống phân biệt đối xử (bao gồm các tổ chức công đoàn, các tổ chức nghề nghiệp (luật sư, nhà báo, bác sĩ..); các cơ sở học thuật (trường đại học, viện nghiên cứu…); các chuyên gia có uy tín; thành viên của các Nghị viện; chuyên viên của các cơ quan chính phủ…

Tính độc lập (tương đối) là yếu tố không thể thiếu của các NHRIs. Theo Các nguyên tắc Pa-ri, các NHRIs cần phải có tính độc lập với các cơ quan nhà nước khác; mức độ độc lập càng cao càng tốt. Có nhiều yếu tố bảo đảm cho tính độc lập của NHRIs, trong đó bao gồm: Được cung cấp trụ sở, trang thiết bị làm việc; Được nhận tài trợ để thực hiện những hoạt động thích hợp; Việc thành lập, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ được quy định trong luật.

Các NHRIs thường hoạt động theo những phương thức sau: Xem xét giải quyết mọi vấn đề thuộc thẩm quyền, bất kể do chủ thể nào đề xuất; Tiếp xúc với bất kỳ ai, thu thập bất kỳ thông tin, tài liệu nào cần thiết để giải quyết các tình huống thuộc thẩm quyền; Trực tiếp hồi đáp ý kiến công chúng hoặc thông qua bất kỳ cơ quan thông tin đại chúng nào; Họp định kỳ hoặc bất kỳ khi cần thiết các thành viên đương nhiệm; Thành lập các nhóm công tác khi cần thiết; Duy trì quan hệ tham vấn với các cơ quan khác có chức năng thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền; Phát triển quan hệ với các NGOs hoạt động trên lĩnh vực nhân quyền.

Không phải tất cả, song khá nhiều NHRIs được giao cả thẩm quyền tiếp nhận và xử lý những khiếu nại, tố cáo về vi phạm nhân quyền. Những NHRIs có thẩm quyền này sẽ được: Tiếp nhận bất kỳ khiếu nại, tố cáo nào gửi tới, hoặc chuyển tiếp chúng đến các cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định pháp luật; Giải quyết các khiếu nại bằng biện pháp hòa giải, bao gồm việc đưa ra những quyết định có tính ràng buộc, trên cơ sở giữ kín thông tin về người khiếu nại; Thông báo cho chủ thể khiếu nại các quyền của họ, các giải pháp đền bù có thể và hỗ trợ họ đạt được các giải pháp đó; Đưa ra khuyến nghị với bất kỳ cơ quan có thẩm quyền nào về bất kỳ vấn đề nào liên quan đến lập pháp, hành pháp và thực tiễn về nhân quyền.

Triển vọng về việc thành lập NHRIs ở Việt Nam

Nếu xét đúng theo các tiêu chí được đề cập ở trên, Việt Nam hiện chưa có cơ quan nào có thể coi là NHRIs. Cụ thể, Việt Nam chưa có Ủy ban nhân quyền cũng như bất cứ thiết chế nào có thể coi là Thanh tra Quốc hội như ở nhiều nước khác. Các Hiến pháp Việt Nam từ trước đến nay cũng chưa từng quy định về NHRIs.

Có quan điểm cho rằng, một số cơ quan ở Việt Nam trên thực tế có thể coi là các cơ quan nhân quyền đặc biệt (một dạng của NHRIs – như đã đề cập ở trên), bao gồm: Ủy ban bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em (nay đã giải thể, sáp nhập vào các Bộ LĐ-TB-XH và Bộ Y tế); Ủy ban vì sự tiến bộ của phụ nữ; Ủy ban Dân tộc (của Chính phủ); Hội đồng Dân tộc (của Quốc Hội)… Ở đây, mặc dù các cơ quan này có chức năng thực hiện một số hoạt động theo kiểu NHRIs ở các nước, nhưng không thể được coi là các NHRIs thực sự, vì không phù hợp với các Nguyên tắc Pa-ri ở nhiều điểm cốt lõi, bao gồm tính độc lập và chức năng, nhiệm vụ.

Nguyên nhân chính khiến Việt Nam chưa có NHRIs có lẽ là do hiểu biết không chính xác về cơ chế này. Ở Việt Nam, các NHRIs thường bị coi là một dạng tổ chức phi chính phủ, thậm chí một hình thức tổ chức đối lập với chính quyền. Một số yếu tố khác có thể là nguyên nhân của tình trạng này, trong đó bao gồm thiếu chuyên gia làm việc cho các NHRIs, thiếu hiểu biết về vị trí, vai trò, cơ chế tổ chức và hoạt động của các NHRIs nên chưa biết thành lập và vận hành chúng như thế nào…

Một câu hỏi đặt ra là Việt Nam có nên thành lập NHRIs không? Từ những phân tích ở trên về NHRIs và tình hình thực tiễn trong nước, khu vực và quốc tế, có thể thấy việc thành lập một hoặc một số cơ quan có chức năng của NHRIs hiện là cần thiết ở nước ta, vì những lý do sau:

Thứ nhất, thúc đẩy, bảo vệ nhân quyền hiện vừa là một nghĩa vụ quốc tế, vừa là một yêu cầu khách quan để bảo đảm sự tồn tại của các chính thể trên thế giới. Để thực hiện việc này, cần phải có cơ chế và bộ máy phù hợp. Thực tiễn trên thế giới cho thấy các NHRIs là một cấu phần không thể thiếu trong cơ chế, bộ máy đó.

Thứ hai, cũng như các nước khác, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục phải giải quyết ngày càng nhiều hơn các vấn đề về nhân quyền ở tất cả các cấp độ, quốc gia, khu vực và quốc tế, đòi hỏi phải sớm hoàn thiện cơ chế, bộ máy hiện có về bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền mà hiện đang thiếu một cấu phần cơ bản là các NHRIs.

Thứ ba, với vị thế đặc biệt của nó, NHRIs là cơ quan hữu ích giúp nhà nước giải quyết những yêu cầu khách quan, chủ quan kể trên, vì thiết chế này có thể:
•    Cung cấp những tư vấn và trợ giúp độc lập, khách quan, có tính xây dựng cho nhà nước trong việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền.
•    Đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, làm tăng uy tín của nhà nước trên trường quốc tế.
•    Là đầu mối cung cấp thông tin khách quan, tin cậy cho cộng đồng quốc tế về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
•    Làm trung gian giúp giảm thiểu và hóa giải những bất đồng giữa chính phủ – xã hội dân sự, chính phủ-tổ chức quốc tế trong vấn đề nhân quyền.

Việc thành lập NHRIs của Việt Nam theo dạng thức nào đòi hỏi phải có thêm những nghiên cứu chuyên sâu, tuy nhiên, có ba dạng thức có thể xem xét (xếp theo thứ tự ưu tiên), đó là: (i) Thành lập dưới dạng cơ quan Thanh tra Quốc hội; (ii) Thành lập dưới dạng một Ủy ban nhân quyền; (ii) Khôi phục và/hoặc cải tổ một số ủy ban của Quốc hội và cơ quan của Chính phủ (đã nêu ở trên) theo hướng để trở thành các cơ quan nhân quyền đặc biệt. Đối với lựa chọn thứ hai (Ủy ban nhân quyền) có thể đặt dưới sự quản lý của Quốc Hội và Chính phủ, tuy nhiên, từ những đặc điểm, tính chất của NHRIs như đã đề cập và phân tích trong bài viết này, việc đặt dưới quyền Quốc Hội tỏ ra phù hợp hơn.   

Cuối cùng, việc thành lập NHRIs nên được quy định trong Hiến pháp. Đó là bởi vị thế hiến định giúp khẳng định và tăng cường vị trí, vai trò của thiết chế quan trọng này trong đời sống chính trị, xã hội của đất nước. Đây cũng là một yêu cầu/gợi ý mới cho việc sửa đổi Hiến pháp hiện hành năm 1992.

Đánh thuế tự do

in Cộng Đồng

Nếu một quốc gia đánh thuế quá cao, người dân và doanh nghiệp sẽ tìm cách trốn thuế. Thuế cao nhưng tổng thu lại thấp vì nhiều người lách luật. Quản lý xã hội cũng vậy, nếu lấy mục đích ổn định làm trọng mà hạn chế quá mức tự do của con người e chừng cũng phản tác dụng.

Các nhà cầm quyền thường lấy mục tiêu “duy trì ổn định” hoặc “an ninh quốc gia” như là thượng tôn và quan trọng nhất. Để đạt điều này, họ thường cổ xúy cho sự đồng thuận về quan điểm hoặc đồng nhất về tư tưởng. Chính vì vậy, họ tìm mọi cách để hạn chế những ý kiến khác biệt vì cho rằng đó là nguyên nhân tạo ra bất ổn. Sự đồng thuận xã hội được xây dựng trên sự áp đặt hơn là thảo luận sẽ dẫn đến sự thụ động và né tránh. Khi con người thụ động hoặc né tránh, xã hội không còn ổn định nữa mà rơi vào trạng thái trì trệ tù túng. Về lâu dài, nó không những không tạo ra tiền đề để phát triển mà còn châm ngòi cho kháng cự và nổi loạn. Chính vì vậy, việc áp đặt quan điểm và tư tưởng quá đáng không tạo ra ổn định mà là trì trệ và hỗn loạn.


Ảnh: Tôn trọng tự do và sự đa dạng trong trường học

Khi báo chí bị kiểm duyệt hoặc định hướng gắt gao chẳng ai viết được những bài mang hơi thở cuộc sống, độc giả sẽ bỏ đi tìm nguồn thông tin nơi khác. Trong một xã hội mở, thông tin đa chiều và báo chí phải tự sống thì việc giữ được độc giả là vô cùng quan trọng. Vì vậy, để hấp dẫn độc giả báo chí sẽ phải “câu khách” bằng tiêu chí “sốc, sến, sex.” Điều này giải thích cho việc “quá tải” các chủ đề “chém, giết, hiếp”. Nó làm xói mòn đạo đức, tạo ra một sự thật méo mó và bất ổn trong xã hội. Nó tầm thường hóa nhà báo và lấy đi niềm tin của độc giả vào báo chí. Như vậy, việc định hướng quá đáng sẽ phản tác dụng vì không ai còn muốn nghe, đồng nghĩa với việc không ai còn “được định hướng” nữa

Trong nhà trường việc áp đặt một chân lý, một tư tưởng cũng có tác dụng ngược tương tự. Sinh viên là con người và họ có khát khao được tìm hiểu và khám phá thế giới. Cái họ muốn học là học cách nhìn nhận vấn đề đa chiều để giải thích cuộc sống đa dạng. Nếu họ bị áp đặt một chân lý duy nhất hay một tư tưởng chủ đạo thì vô hình chung thay vì tư duy sáng tạo họ sẽ học thuộc lòng để đối phó. Ra khỏi phòng thi tất cả những chân lý hay tư tưởng chủ đạo đó bị bỏ lại đằng sau vì cuộc sống dạy họ ngay rằng không có gì là tuyệt đối cả, mọi thứ đều có nhiều mặt của nó tùy mỗi góc nhìn. Như vậy, việc áp đặt quá mức trong nhà trường cũng phản tác dụng và lãng phí thậm chí là gây hại vì tạo ra những con người quen với giả dối và có thái độ tiêu cực với chính trị. Điều này tạo ra sự bàng quan trong giới trẻ, cho rằng chính trị là xấu xa, xa vời và không liên quan đến cuộc sống của mình.

Bên cạnh giáo dục, văn hóa cũng là lĩnh vực mà các nhà quản lý có xu hướng can thiệp quá sâu bằng các chỉ thị hành chính. Hậu quả là văn hóa mất sức sống và trở nên méo mó vì nó bị bật gốc ra khỏi cộng đồng. Tương tự, nếu có quá nhiều kiểm duyệt và giấy phép thì nghệ thuật không còn khả năng lột tả tinh thần cuộc sống. Nghệ sĩ đánh mất cái nhìn tinh tế và dự đoán xác thực xu hướng của xã hội. Cái gọi là nghệ thuật biến thành thứ để người ta tuyên truyền hơn là làm giàu tâm hồn và sức sáng tạo của con người. Đây chính là nguyên nhân tạo ra sự lai căng, mất bản sắc của văn hóa nghệ thuật dân tộc. Hậu quả là giới trẻ và người dân sẽ từ bỏ văn hóa và nghệ thuật “có kiểm duyệt”, đi theo các trào lưu và tôn thờ các nền văn hóa khác trên thế giới..

Tự do trong báo chí, giáo dục, văn hóa và nghệ thuật là điều kiện cần thiết cho phát triển. Vai trò của nhà nước là tạo ra môi trường để các cá nhân và tổ chức phát huy được sự sáng tạo và biến tâm huyết của mình thành sản phẩm truyền cảm hứng cho xã hội. Nếu không, dù các sản phẩm có được tô vẽ thế nào thì nó vẫn chỉ là sự dối trá, lai căng và không phản ánh chân thực cuộc sống và khát vọng của nhân dân. Hạn chế tự do cũng như đánh thuế, nó chỉ có thể là động lực cho ổn định và phát triển nếu nó được xây dựng trên sự thỏa thuận tự nguyện của mọi người. Khi đó, con người vừa có tự do quốc gia vừa có ổn định và phát triển. Nếu đi ngược lại, đất nước sẽ đi vào ngõ cụt tù túng và hậu quả sẽ là đổ vỡ, bất ổn và tụt hậu.

Khi văn hóa bật gốc

in Cộng Đồng

Trong diễn ngôn về văn hóa và phát triển ở Việt Nam những thập kỷ gần đây, bên cạnh “giữ gìn và phát huy văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc”, thì “văn hóa là mục tiêu và động lực của phát triển” đã trở thành một khẩu hiệu quen thuộc. Nó quen thuộc đến mức ít khi người ta đặt câu hỏi nó thực sự có ý nghĩa gì và thể hiện ra sao trong đời sống thực tế. Có thể thấy, “phát triển” dường như đang được số đông đo đếm bằng sự tăng trưởng kinh tế, tốc độ đô thị hóa và hiện đại hóa, bằng sự chiếm lĩnh của chủ nghĩa tiêu thụ cũng như ảnh xạ của toàn cầu hóa trên mọi phương diện. Còn văn hóa thì được đo đếm bằng gì?

Trong các diễn ngôn chính sách, văn hóa thường bao gồm văn hóa nghệ thuật, biểu diễn văn hóa, nghi lễ, lối sống (một cách trừu tượng) và bảo tồn di sản. Trên báo chí truyền thông, mục văn hóa thường bao gồm những chủ đề liên quan đến biểu diễn nghệ thuật hay những chuyện lượm lặt trong giới “showbiz”. Trong khi đó, việc người người nhà nhà được khuyến khích phấn đấu để đạt những danh hiệu “gia đình văn hóa”, “xã văn hóa”, “làng văn hóa” …cho thấy thuật ngữ văn hóa bỗng nhiên trở nên một thứ “phong trào” bề nổi mà ai cũng biết chỉ mang tính hình thức!

Nói một cách công bằng, các chính sách văn hóa chú trọng đến “bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc” đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động khôi phục văn hóa truyền thống. Số lượng lễ hội mỗi năm một tăng, cả việc khôi phục lễ hội truyền thống cũng như tạo dựng nên các lễ hội mới. Khát vọng tâm linh được thỏa mãn khi các thực hành nghi lễ tôn giáo được bật đèn xanh sau một thời gian dài cấm đoán. Nhưng các lễ hội, festival, sự kiện mang màu sắc thương mại hóa và cầu tiền tài, danh vọng, cũng trở nên ngày càng nhiều. Càng “phát triển” thì dường như xã hội càng bức xúc bởi tin tức về những ngôi chùa, mái đình bị biến dạng thành một thứ nửa cổ nửa kim sau khi trùng tu; đồng thời nhận ra quá trình đô thị hóa cũng đồng nghĩa với sự mất đi các làng hoa, làng nông nghiệp truyền thống; sự tấn công ồ ạt dưới cái mác ”khoa học” của tri thức phương Tây đang làm lãng quên các tri thức bản địa vốn nuôi dưỡng con người trong suốt quá khứ…vv. Và bỗng một ngày, người ta lại cùng nhau ngồi hoài cổ, thèm lắm cái cái hương vị ngày Tết khi cả nhà quây quần gói bánh chưng xanh, thịt mỡ dưa hành (mà nay với công nghệ gói bánh chưng siêu tốc và thịt lợn siêu nạc, những mơ mộng đó bỗng trở nên xa xỉ!).

Nói đến văn hóa không thể không nói đến di sản. Thật đáng mừng vì những thay đổi nhận thức về giá trị di sản và truyền thống văn hoá ở Việt Nam đã tạo ra nguồn lực xã hội trong việc bảo vệ và bảo tồn di sản văn hoá. Tuy nhiên, quan niệm bảo tồn theo cách bảo tàng hóa hoặc sân khấu hóa, tách thực hành văn hóa ra khỏi môi trường sống của nó, khiến các dạng thức văn hóa được bảo tồn trở nên “màu mè”, hình thức, thiếu sức sống bền vững trong đời sống xã hội; trong khi chủ trương “bảo tồn có lựa chọn” lại áp đặt quyền được quyết định số mệnh cái gì được bảo tồn, cái gì phải loại bỏ dưới cái nhãn “lạc hậu”, “hủ tục”.  Mặt khác, mốt “di sản hóa” văn hóa, bệnh “sính di sản” hay “Unesco hóa” (mà nhà nghiên cứu người Hà Lan Oscar Salemink chỉ ra trong Hội thảo Việt Nam học gần đây) không những bức tử vẻ đẹp của di sản với việc khai thác quá đà cho du lịch, mà còn làm triệt tiêu sự đa dạng văn hóa (đơn cử như quyết nghị của UBND tỉnh Quảng Ninh buộc 500 con tàu trên vịnh Hạ Long phải sơn màu trắng “đồng phục” cho xứng tầm kỳ quan thế giới).

Điều đáng nói hơn, những chủ thể văn hóa – những người dân chăm nom và bảo vệ di sản trong suốt quá khứ, bỗng nhiên bị gạt ra ngoài lề, nhường chỗ cho “Ban quản lý”, khi di tích được công nhận là di sản quốc tế (như trường hợp di sản đền Hùng và nhiều di tích khác). Câu chuyện về đền Trần cũng là một ví dụ như vậy. Nếu như trước khi kinh tế thị trường bùng nổ và các hoạt động tôn giáo còn chưa được khuyến khích, đền Trần còn là một ngôi đền chủ yếu của dân địa phương, và họ chính là những chủ thể được sở hữu những lá ấn vốn nhằm mục đích trừ tà ma (với những sự tích liên quan đến quyền năng trừ tà ma của Đức Thánh Trần). Từ khi phong trào “phát ấn” bùng nổ (do sáng kiến của những người làm quản lý văn hóa), được cổ súy thêm bởi sự xuất hiện của lãnh đạo nhà nước trong lễ khai ấn, những chiếc ấn được mang thêm ý nghĩa mới về sự ‘thăng quan tiến chức’. Và lúc này, đương nhiên là “các chủ thể văn hóa” phải chen lấn bên ngoài hàng rào để đợi, trong khi không gian văn hóa lẽ ra là của người dân địa phương, bỗng nhiên trở thành nơi dành cho những người có địa vị xã hội và đang trên đường thăng tiến.

Sự mất mát của chủ thể văn hóa là câu chuyện tưởng như đã cũ. Các chủ nhân đích thực của văn hóa đang bị dần biến thành khách thể – những người đến xem việc “biểu diễn văn hóa” dưới sự dàn dựng của đạo diễn nghệ thuật. Người dân trong cộng đồng hoặc trở thành các diễn viên, hoặc trở thành khán giả. ‘Văn hóa’ đã không còn là của cộng đồng nữa. Các chủ thể văn hóa không còn quyền đối với chính nền văn hóa của mình. Vậy văn hóa là của ai, và để cho ai? Văn hóa nào sẽ tạo nên động lực cho sự phát triển nếu nó không từ gốc rễ cộng đồng?

Cũng đã có người tranh luận rằng, bởi phát triển gắn liền với sự tăng trưởng kinh tế, nên đầu tư vào công nghiệp văn hóa (như phim, ảnh, in ấn, băng đĩa) chính là một cách biến văn hóa trở thành động lực cho sự phát triển. Nhưng nếu mục tiêu phát triển đạt được mà những chủ thể văn hóa trở nên bơ vơ, ngơ ngác trên chính không gian của họ, thì có lẽ, văn hóa cũng không còn tồn tại! Có lẽ đây chính là một nguyên nhân quan trọng của sự hỗn loạn xã hội, suy giảm đạo đức vì các giá trị tốt đẹp nhất của văn hóa bị xói mòn khi văn hóa đã bị “bật gốc”.

Điểm tham chiếu của người Việt

in Cộng Đồng

Trong các gia đình Việt Nam ngày xưa và thậm chí ngày nay, nhiều bậc cha chú luôn nói “chúng mày thời nay sướng hơn bọn tao nhiều.” Điều này đúng vì tăng trưởng kinh tế trong hơn hai thập kỷ qua đã cải thiện dịch vụ sống, giảm đói nghèo đặc biệt trong tầng lớp dân cư thành thị nên người Việt rất lạc quan và vui vẻ. Đó là lý do tại sao, Việt Nam luôn nằm trong tốp các nước hạnh phúc nhất thế giới.

Người Việt hạnh phúc vì mong đợi quan trọng nhất của mình là có cơm ăn áo mặc và cuộc sống yên bình đã được đáp ứng. Nhiều người luôn so sánh cuộc sống hiện tại với sự nghèo khó của thời bao cấp và thấy rằng cuộc sống của mình ngày càng tốt hơn. Hàng hóa đầy chợ, siêu thị sang trọng liên tục mọc lên khác hẳn với việc xếp hàng dài từ lúc mờ sáng để mua vài cân gạo và thực phẩm thời bao cấp. Bữa cơm hàng ngày có thịt có cá khác với ngày xưa phải đợi đến Tết để được thỏa mãn sự thòm thèm. Cuộc sống thời kinh tế tập thể làm theo còi, ăn theo kẻng, cơ hội công việc chỉ là nông dân trong hợp tác xã hay công nhân trong nhà máy thật tù túng so với nền kinh tế thị trường đa thành phần. Khi so sánh với quá khứ đói nghèo, chiến tranh và loạn lạc thì cuộc sống sau đổi mới là cuộc sống thật sự hạnh phúc, an bình, và luôn luôn cải thiện. Và người Việt tin vào sự lãnh đạo của Đảng cộng sản vì thấy mong đợi “có cơm ăn áo mặc” của mình đã được đáp ứng.

Cuộc sống hiện tại cho người Việt tiếp xúc nhiều hơn với thế giới bên ngoài. Nhiều người đã trải nghiệm trực tiếp cuộc sống ở châu Âu, Mỹ, Úc khi đi học, công tác, du lịch hoặc gián tiếp qua phim ảnh, internet và truyền hình. Đó là những nước không chỉ giàu về vật chất nhưng tự do về tư tưởng và dân chủ trong đời sống chính trị. Người Việt cũng hiểu hơn về các nước châu Á như Nhật Bản, Singapore, và Hàn Quốc để thấy ước mơ giàu có về kinh tế dân chủ trong chính trị gần gũi với mình hơn. So sánh với các nước này người Việt thấy mình nghèo hơn “vì chiến tranh, vì cấm vận và vì các thế lực thù địch chống phá.” Nhưng với tốc độ kinh tế tăng trưởng cao, thị trường bất động sản bùng nổ, các “kỷ lục” luôn luôn bị phá vỡ làm người Việt tin rằng chắc chắn cuộc sống của mình sẽ tốt đẹp hơn và tự do và dân chủ sẽ là điểm đến tất yếu.

Nhưng mấy năm gần đây kinh tế khủng hoảng đã nhanh chóng bào mòn sự lạc quan của người Việt. Kinh tế suy xụp làm hiện lên một xã hội với tham nhũng lan tràn và bất bình đẳng đang tăng cao; sự xuống cấp của đạo đức, an toàn xã hội với nạn cướp giật công khai, giết người vô cớ và thậm chí là sự lộng quyền của một bộ phận công an và quan chức. Giới trẻ phải đối mặt với nạn thất nghiệp, chất lượng giáo dục thấp, sinh viên phải học những môn xa rời thực tế không có ích cho công việc sau này. Người Việt đã và đang tự đặt ra những câu hỏi để lý giải tại sao Việt Nam lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn này?

Người Việt giờ đây đã từng có một quá khứ tốt đẹp và lạc quan khi kinh tế liên tục tăng trưởng và cuộc sống người dân liên tục được cải thiện. Điều này đồng nghĩa với điểm tham chiếu không chỉ còn là sự loạn lạc của thời chiến tranh và sự đói nghèo của thời bao cấp nữa. Song song với những hiểu biết về tự do, dân chủ và nhân quyền, người Việt càng ngày càng mong đợi nhiều hơn và họ càng đòi hỏi chính quyền đáp ứng nhiều hơn. Và nếu sự đáp ứng của chính quyền thấp hơn sự mong đợi của người dân, chắc chắn sẽ dẫn đến sự không hài lòng, thậm chí là bất bình trong dân chúng.

Chính quyền cần lắng nghe và thấu hiểu những mong đợi quan trọng và chính đáng của người dân để biến thành ưu tiên của quốc gia. Không nên hạn chế ước mơ của nhân dân vì chỉ khi mong ước lớn thì thành công mới lớn. Đừng lo ước mơ của nhân dân vượt quá khả năng đáp ứng của chính quyền thì sẽ gây ra bất ổn vì điều này chỉ đúng khi chính quyền giữ quyền “ban phát” cho nhân dân. Nếu ước mong của nhân dân và chính quyền trùng khớp thì thiếu hụt đó không còn nữa. Việt Nam đã từng trải nghiệm điều này khi cả dân tộc mong ước giải phóng đất nước và đồng hành cùng chính quyền thực thi thắng lợi ước mơ vĩ đại của mình.

Mỗi người Việt ở trong vị trí của mình phải tạo ra những ước mơ lớn trong ước mơ chung của dân tộc. Sinh viên hãy ước mơ trở thành Ngô Bảo Châu hay Steve Jobs để tạo cảm hứng vô tận cho mình trong học tập và sáng tạo. Đừng tự giới hạn trong ước mơ vì tự do ước mơ là quyền cơ bản nhất của con người. Đừng e dè khi thể hiện ước mơ vì khi đó cảm hứng mới được truyền đạt và ước mơ mới được kết nối giữa người với người.

Doanh nhân cần như Đặng Lê Nguyên Vũ ước mơ Trung Nguyên có thể vượt qua Starbucks và lãnh đạo café thế giới. Ước mơ này là chính đáng và cần khuyến khích vì đó chính là động lực để cán bộ nhân viên Trung Nguyên làm việc và chiến thắng. Nếu doanh nhân nào cũng khiếp đảm trước các tập đoàn thế giới và hài lòng với việc làm thầu phụ cho họ thì không bao giờ trở thành người đi đầu.

Các nhà trí thức Việt Nam cần có điểm tham chiếu là sự thật vì sự thật là thức ăn thiết yếu cho xã hội. Một dân tộc có lầm đường hay không phụ thuộc vào bản lĩnh nói thẳng nói thật của trí thức. Nếu không, những giá trị nhân bản và những định hướng quốc gia sẽ bị bóp nghẹt bởi sự giả dối và hèn yếu mà thôi.

Và cuối cùng, các nhà chính trị cần có điểm tham chiếu là tự do của nhân dân và thịnh vượng cho dân tộc. Lãnh đạo cần phục vụ lợi ích của dân tộc chứ không lấy điểm tham chiếu là ý thức hệ, tính giai cấp hay chủ nghĩa lịch sử nào. Ước mơ của họ phải là ước mơ của toàn thể nhân dân và đi từ nhân dân mà ra. Và điều song trùng này chỉ có thể khi quyền bầu lãnh đạo của nhân dân được bảo vệ và thực thi trong các cuộc bầu cử công bằng, cạnh tranh và minh bạch.

Cần hành động bằng việc gỡ bỏ những hạn chế trong ước mơ của mình. Đừng bao giờ coi mình là thấp kém mà lấy điểm tham chiếu thấp hơn các dân tộc khác. Hãy nhìn về phía trước và hướng tới chân trời tự do và hạnh phúc cho dân tộc!

Để người bán hàng rong tạo ra sự thịnh vượng

in Cộng Đồng

Khi nhiều người ra đường đến công sở đã thấy những quán hàng nhỏ  chen nhau trong từng khoảng trống trên vỉa hè. Từ mờ sáng, cuộc sống ngoài phố đã nhộn nhịp như một tổ ong với những chiếc xe máy vun vút trên đường đầy ắp hàng hóa, rau cỏ, thịt thà, từ các chợ đầu mối vào thành phố, xuống các khu chợ bán lẻ và những người bán hàng rong. Những rổ chuối nhỏ, những túi cam hay các loại hoa quả được bày bán khắp nơi, bám lấy từng góc phố đông đúc. Những người bán hàng rong với mọi thứ sản phẩm có thể tưởng tượng được đang thực hiện công việc làm ăn của mình để mưu sinh.

Đến chiều, hoạt động có giảm đi nhưng không chấm dứt hẳn. Những người bán rong đã về nhà. Nhưng phố xá lại được trang điểm bằng những cột khói mỏng từ vỉa than đang nướng thịt hay xúc xích. Nếu đi dọc phố sau khi trời đã tối, những người bán thức ăn vây quanh người đi đường mời mọc vào quán.

Những người bán hàng rong là một phần năng động của đời sống ở nhiều thành phố. Nhưng họ cũng thường bị lên án vì hàng quán chiếm hết vỉa hè. Dường như mỗi ngày rác thải của họ thải ra ngày càng nhiều. Và khó có thể đi bộ trên vỉa hè vì ngày càng có thêm những người bán hàng rong.

Rõ ràng, nỗ lực mưu sinh của người này lại trở thành khó chịu đối với người khác. Khi đời sống thay đổi, việc thực thi quy định của chính phủ về bán hàng rong cũng thay đổi theo. Thời gian đầu chính phủ ủng hộ những người bán hàng rong và không đưa ra quy định nào hết. Nhưng sau một thời gian, nhiều khu phố buôn bán đã trở nên quá tải và gây phiền toái cho mọi người. Nhưng dù những người bán hàng rong bị gán những tội lỗi gì đi nữa thì họ có thật sự đáng bị phê phán không? Lúc này, dường như chính quyền lúng túng không biết nên đối xử với hàng rong như thế nào. Vỉa hè là để dành cho người đi bộ chứ không phải cho hàng quán. Nhưng vỉa hè cũng là nơi mưu sinh của nhiều triệu người.

Tranh cãi kiều này  sẽ còn tiếp tục, ngay cả khi vỉa hè được coi là tài sản công hay là “của chung”. Các nhà kinh tế hoặc gọi đó là “bi kịch của tài sản chung” và đây là một ví dụ nữa của việc tài sản chung bị “khai thác” quá mức, đến nỗi trở thành có hại cho tất cả mọi người.
Có hai giải pháp cho loại xung đột này, một là tư nhân hóa tài sản chung, hai là dùng lực lượng công an và dân phòng phạt và tịch thu.
Trong một thành phố đông đúc thì mọi cố gắng nhằm ngăn chặn việc chiếm đoạt vỉa hè đều không đem lại kết quả vì khi lực lượng cưỡng chế vừa ra đi là những người bán hàng rong lại chiếm lấy càng nhiều chỗ càng tốt. Người đi bộ buộc phải nhường bước xuống đường.
Vậy biện pháp tư nhân hóa có giải quyết được vấn đề?

Thế giới của hàng rong không có quyền sở hữu đối với chỗ đặt quầy hàng và biết rằng họ có thể bị đuổi đi hoặc tịch thu hàng hóa bất cứ lúc nào. Kết quả là người bán hàng không quan tâm tới việc đầu tư vào hàng quán và tiếp tục hành động vì lợi ích cá nhân của mình, gây hại cho cư dân vì không người nào có quyền sở hữu cái tài sản (hè và đường phố) mà người đó đang sử dụng.

Xung đột là không tránh khỏi và vấn đề không được giải quyết.

Như vậy, giải pháp tư nhân hóa bằng cách bảo đảm cho người ta quyền sở hữu khu đất mà đằng nào người ta cũng sử dụng nên được xem xét.

Việc thiết lập quyền sở hữu làm thay đổi hành vi của những người bán hàng rong. Ví dụ rác cũng là vấn đề của sở hữu chung. Nếu lưu ý một chút, có thể thấy rằng vứt rác chỉ xảy ra ở những nơi thuộc tài sản công mà thôi. Rác cũng thường bị ném vào những chỗ thuộc tài sản riêng nhưng được mở ra cho mọi người cùng sử dụng – như siêu thị, sân thể thao, rạp chiếu phim. Nhưng ở những chỗ đó, người chủ sở hữu không quá bực mình, mà đưa người tới dọn dẹp. Dọn dẹp là một phần của việc kinh doanh vì đó là tài sản riêng của họ.

Thiết lập quyền sở hữu cũng khuyến khích người ta cải thiện công việc kinh doanh của chính họ. Nó tạo điều kiện cho người ta đầu tư và tối ưu hóa việc sử dụng. Một quầy hàng có thể được sử dụng bởi nhiều người khác nhau, có nghĩa là một người có thể sử dụng vị trí vào buổi sáng, còn người khác thì sử dụng vào buổi chiều. Không có gì bất thường khi thấy một chỗ mà sáng sớm có người bán đồ điểm tâm, đến 9 hay 10 giờ thì lại có người bán cơm trưa, sau đó khoảng 4 giờ chiều lại được thay bằng người bán đồ ăn tối. Việc thiết lập quyền sở hữu còn tạo ra một thị trường chuyển nhượng vị trí, người dân có thể thu xếp việc sử dụng vị trí phù hợp với giá trị kinh tế cuả nó.

Tiếp cận bằng quyền sở hữu đem lại không chỉ sự uyển chuyển mà còn hiệu quả hơn trong việc giữ gìn trật tự trong khu vực buôn bán. Ban quản lí tại chỗ biết rõ khu vực của mình và có thể giúp giải quyết những tranh chấp phát sinh giữa những người bán hàng. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố có thể thu thuế tăng ngân sách đầu tư cho các công trình công cộng và an ninh chung.

Buôn bán trên đường phố có thể trở thành nơi ươm mầm cho những doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng và đầy sức sống. Cả một tầng lớp doanh nhân có thể được hình thành, với tất cả những lợi ích mà họ có thể cống hiến cho xã hội. Tại nhiều nơi trên thế giới, chính quyền thành phố đã phải công nhận rằng cấm buôn bán trên hè phố là việc làm vô ích. Những người bán hàng rong đại diện cho cái gọi là “cuộc trường chinh” tới chủ nghĩa tư bản. Nếu bị chính quyền cản trở và quấy rầy thì quyền sở hữu không thể phát triển được. Nhưng nếu chính phủ lại hành động như là người bảo vệ quyền sở hữu thì việc buôn bán trên đường phố sẽ là bước khởi đầu trên con đường dẫn tới thịnh vượng.

Đừng chỉ tiêm thuốc giảm đau cho người nghèo

in Cộng Đồng

Theo kết quả đánh giá nghèo 2012 công bố ngày 24 tháng 1 năm 2013 do Ngân Hàng Thế Giới thực hiện, Việt Nam còn 20,7% người nghèo theo chuẩn nghèo 653,000 đồng/tháng (2.25USD theo 2005 PPP). Tỉ lệ người nghèo cao nhất ở vùng Tây Bắc (60.1%), Đông Bắc (37,7%) và Tây Nguyên (32,8%). Tuy nhiên, số người nghèo chủ yếu sống tập trung ở Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long do mật độ dân cư cao. Nói cách khác, nghèo ở Việt Nam mang đậm tính nông thôn và miền núi và thu nhập của người nghèo chủ yếu từ hoạt động nông nghiệp.

Theo báo cáo “Khởi đầu tốt nhưng chưa phải đã hoàn thành – thành tựu giảm nghèo của Việt Nam và các thách thức mới”, càng ngày Việt Nam càng khó xóa nghèo cho vùng “lõi” vì cơ sở hạ tầng thiếu, điều kiện tiếp cận dịch vụ công, trình độ giáo dục và kỹ năng nghề nghiệp của người nghèo thấp. Bên cạnh đó, bất bình đẳng về thu nhập và chi tiêu giữa thành thị và nông thôn, giữa các nhóm dân cư ngày càng nghiêm trọng gây ra những bất ổn xã hội. Ví dụ, tỉ lệ nghèo của dân tộc thiểu số còn rất cao ở mức 66,3% so với 12,9% của người đa số và người dân tộc thiểu số chiếm 47% tổng số người nghèo năm 2010 so với 29% năm 1998.

Bức tranh  không mấy sáng sủa của việc xóa đói giảm nghèo đặt ra câu hỏi lớn đó là tại sao các chương trình chính sách lớn của  nhà nước như 30a, 135 hay trợ giá trợ cước cho người nghèo không giải quyết được tình hình? Phải chăng các chương trình này không hiệu quả và không có ích cho người nghèo?

Lùi lại một bước và suy ngẫm thì có thể thấy phần lớn tỉ lệ nghèo đói giảm trong mấy thập kỷ qua là do phát triển kinh tế mang lại là chính. Khi nền kinh tế mở cửa, mọi người được tự do làm ăn tạo ra của cải và giúp người dân thoát nghèo. Các chương trình xóa đói giảm nghèo có tác dụng ngắn hạn, hỗ trợ là chính. Nói cách khác, các chương trình cho người nghèo chỉ là thuốc giảm đau cho bệnh nhân mà thôi. Nếu muốn khỏi bệnh, bệnh nhân phải được phẫu thuật hoặc chữa trị và các chương trình phát triển kinh tế có ích cho người nghèo chính là toa thuốc cần thiết.

Nói cách khác, chính sách phát triển kinh tế đúng đắn mới giúp nhân dân giàu lên và số người nghèo giảm đi.

Như vậy, Việt Nam cần lựa chọn triết lý phát triển cho giai đoạn mới để vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, vừa giúp xóa đói giảm nghèo. Từ cuộc khủng hoảng hiện tại và nhìn vào tiềm năng phát triển của Việt Nam, đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn là một lựa chọn thực tế và thông minh.

Như bài viết “Việt Nam nên là cái bếp của thế giới” nông nghiệp và nông thôn chính là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, là nền tảng để Việt Nam phát triển. Hơn nữa, đa số người nghèo đang sống ở nông thôn và miền núi, thu nhập của họ chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, chính là đầu tư trực tiếp cho nhóm đối tượng này. Nông nghiệp, công nghiệp chế biến và dịch vụ hỗ trợ phát triển sẽ mở ra cơ hội việc làm cho họ. Người nghèo và người dân tộc thiểu số sẽ có cơ hội cao hơn khi làm việc trong những ngành liên quan đến sản xuất và chế biến nông sản vì nó gần gũi với kiến thức và kỹ năng sẵn có của họ.

Bên cạnh đó, các chính sách phát triển kinh tế ở vùng nông thôn đặc biệt là miền núi nơi có người dân tộc thiểu số sinh sống phải lấy lợi ích của người dân bản địa làm trọng. Trong những năm qua, chính quyền địa phương đã ồ ạt cấp phép cho các công ty khai thác khoáng sản, làm thủy điện vừa và nhỏ, phá rừng trồng cây công nghiệp tàn phá nặng nề cơ sở sinh kế của người dân. Ô nhiễm môi trường, đổ vỡ  văn hóa và chia rẽ cộng đồng là những hậu quả tai hại ảnh hưởng đến cơ hội phát triển lâu dài của họ. Chính vì vậy, chính sách của nhà nước phải dứt khoát và cương quyết loại bỏ lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, tham nhũng để cứu vãn cơ hội phát triển đặc biệt của người dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, những “lệch lạc” về đầu tư đều xuất phát từ một nguyên nhân sâu xa đó là thiếu sự tham gia thực sự của người dân, của xã hội dân sự trong quá trình giám sát hoạt động đầu tư của nhà nước và doanh nghiệp. Nói cách khác, những người nông dân nghèo, người dân tộc thiểu số hay phụ nữ chỉ có thể bảo vệ quyền lợi của mình khi tiếng nói của họ được lắng nghe. Điều này chỉ có được khi họ có quyền lập hội và bầu lãnh đạo đại diện của mình để tìm ra được người thực sự có tâm, có tài truyền tải được tiếng nói của họ cho nhà nước và chính phủ. Đây cũng chính là cách đảm bảo chính sách có trách nhiệm và công bằng hơn cho những người yếu thế, thiệt thòi.

Như vậy các chương trình xóa đói giảm nghèo là cần thiết cho người nghèo giống như thuốc giảm đau cho bệnh nhân phải mổ. Nhưng để thoát  nghèo, thể chế phải được cải tổ để nhân dân có thể quyết định và giám sát điểm đến của nguồn lực như vốn, đất đai, tài nguyên khoáng sản, công nghệ và thông tin. Nếu chỉ dựa vào các chương trình giảm nghèo mà không cải tổ thể chế thì người nghèo sẽ mãi nghèo cũng giống như bệnh nhân được tiêm thuốc giảm đau mà mãi không được mổ. Và thực tế là khi dùng thuốc giảm đau nhiều người bệnh sẽ nghiện giống như người nghèo ở Việt Nam đang tranh nhau nghèo để được hưởng lợi từ hỗ trợ của nhà nước. Tất nhiên, khi đó bệnh tình chỉ nặng thêm mà thôi!

Xã hội dân sự cần thiết cho người yếu thế

in Cộng Đồng

Các nhà kinh tế nói rằng để biết mức sống của một khu dân cư chỉ cần ra chợ. Nếu chợ sầm uất, hàng hóa đề huề thì cư dân ở đó có mức sống sung túc. Nếu chợ tiêu điều, mua bán cầm chừng thì cuộc sống ở đó khó khăn. Tương tự như vậy, các nhà bảo vệ quyền con người cho rằng để biết một quốc gia có dân chủ, bình đẳng và bảo vệ nhân quyền hay không chỉ cần xem họ đối xử với người thiểu số như thế nào. Nếu pháp luật và xã hội không có phân biệt đối xử, mọi người đều bình đẳng thì quốc gia đó thực sự tôn trọng quyền con người. Ngược lại, nếu vẫn tồn tại định kiến và kỳ thị với người thiểu số, thì quốc gia đó đang còn nhiều việc phải làm.


Ảnh: đại diện nhóm khuyết tật góp ý sửa đổi hiến pháp
(Nguồn: iSEE)

Bất cứ một xã hội nào đều được xây dựng và phát triển dựa trên tinh thần và nội dung của Hiến pháp. Chính vì vậy, chỉ cần phân tích Hiến pháp là phần nào hiểu được quốc gia đó đang đối xử với người thiểu số như thế nào.

Việt Nam đang xin ý kiến nhân dân về bản thảo Hiến pháp năm 1992 sửa đổi và đây là một cơ hội hoàn thiện nền tảng cho một xã hội công bằng. Những người thiểu số và yếu thế như người dân tộc thiểu số, người có HIV, người di cư, phụ nữ, thanh niên, người khuyết tật, người đồng tính, song tính và chuyển giới có cơ hội để nói lên tiếng nói của mình. Tuy nhiên, việc lấy được ý kiến của họ không phải dễ dàng vì những lý do chủ quan và khách quan.

Chính quyền địa phương hay các tổ chức đoàn thể như Hội phụ nữ, Hội nông dân, Đoàn thành niên có các thành viên thuộc nhóm thiểu số. Tuy nhiên, vì là thiểu số nên đôi khi họ bị lãng quên hoặc coi là không chính yếu cần xin ý kiến. Do những rào cản về vận động hay ngôn ngữ mà người khuyết tật hay phụ nữ dân tộc thiểu số thường bị bỏ qua trong các cuộc tham vấn. Những người đang phải đối mặt với định kiến kỳ thị trong xã hội như người có H hay người đồng tính, song tính và chuyển giới không phải dễ dàng xuất hiện để tham gia và đưa ra nhu cầu chiến lược của mình. Tương tự như vậy, người nhập cư do không có hộ khẩu nên nghiễm nhiên gạt ra khỏi các cuộc họp của “nhân dân” để góp ý cho Hiến pháp. Vì thế, việc thông qua chính quyền địa phương hay các đoàn thể để lấy ý kiến nhân dân thường vắng mặt nhóm đối tượng nhân dân yếu thế này.

Nhận biết được điều này nên Hiến pháp các nước thường đảm bảo quyền tự do lập hội của công dân. Từng cá nhân riêng lẻ thuộc cộng đồng yếu thế rất khó đưa ra ý kiến của mình nhưng một tập thể có tổ chức, có mục đích bảo vệ quyền lợi của thành viên thì chắc chắn sẽ làm sứ mệnh đại diện tốt hơn. Khi đó, những người đại diện cho các nhóm người yếu thế, các nhóm lợi ích sẽ có nguồn lực và năng lực để tìm hiểu thông tin, phân tích vấn đề và đưa ra kiến nghị từ góc nhìn của mình. Đây chính là quá trình cần thiết để các nhà lập pháp và xã hội hiểu vấn đề thấu đáo hơn, để cân bằng lợi ích phát triển tốt hơn.

Gần đây, các tổ chức phi chính phủ đứng ra tổ chức lấy ký kiến trực tiếp các  nhóm đối tượng thiểu số thiệt thòi là cần thiết và giàu tính nhân văn. Đây là những bước đi đầu tiên để tiếng nói của những người thiểu số thiệt thòi được lắng nghe. Việc này thể hiện vai trò không thể thiếu của các tổ chức xã hội dân sự. Như vậy, Hiến pháp sửa đổi cần đảm bảo quyền tự do lập hội để trong tương lai ngoài các tổ chức phi chính phủ sẽ có Hội của những người yếu thế thiệt thòi như Hội của người có H, Hội của người Đồng tính, song tính và chuyển giới, Hội của người dân tộc thiểu số, Hội của người di cư…. Họ sẽ tham gia như một phần của xã hội dân sự bảo vệ quyền của người thiểu số, người yếu thế. Đây chính là điều kiện để phát triển một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Ngày 12 tháng 1 năm 2013 các tổ chức phi chính phủ và các mạng lưới xã hội dân sự khởi động quá trình lấy ý kiến góp ý cho Hiến pháp sửa đổi của bẩy nhóm thiểu số và thiệt thòi. Trong đó, Viện nghiên cứu xã hội kinh tế và môi trường (iSEE), mạng lưới CIFPEN và trung tâm DECEN lấy ý kiến của người dân tộc thiểu số; Trung tâm ICS và mạng lưới quyền tình dục (SRA) lấy ý kiến của người đồng tính, song tính và chuyển giới; Live and learn, CSAGA, CCIHP và mạng GPAR lấy ý kiến của thanh niên; CGFED, CSAGA, mạng gencomnet và mạng Dovipnet lấy ý kiến của phụ nữ; Mạng VNP-PLUS lấy ý kiến của người có H; CDI, CCIHP, Light và mạng CSO-CSR lấy ý kiến của người di cư; và IDEA, DRD và mạng SRA lấy ý kiến của người khuyết tật.

Go to Top