Bài viết nổi bật

Tính đại khái, Sự nửa vời và Tinh thần trách nhiệm của người Việt

in Cộng Đồng

Bất cứ ai khi qua các con đường đang sửa cũng phải khó chịu vì bụi và vì những đoạn đường gồ ghề rất khó đi. Các nhà thầu chỉ cần lấy máy ủi có sẵn gạt bằng và phun nước, họ có thể tạo ra một cảm giác dễ chịu và được tôn trọng hơn rất nhiều cho người đi đường. Ngay như nước láng giềng Cambodia khi sửa chữa sân bay, bạn có thể thấy bạt được che cẩn thận và dòng chữ “xin lỗi vì đã làm phiền” bằng tiếng Anh đặt trang trọng nơi dễ nhìn. Còn ở Việt Nam, những người thi công chỉ lo công việc của họ. Những khó khăn mà những người xung quanh phải chịu như là lẽ tất nhiên. Chính vì vậy mà có những con đường đau khổ nhiều năm mọi người phải chịu mà không nhận được một lời xin lỗi, những công trình đang xây trở thành nỗi kinh hoàng của cộng đồng mà không mảy may áy náy.


Ảnh: đại hội Đảng cộng sản lần thứ VI đã quyết định đổi mới tạo ra nhiều thành tựu cho đất nước (nguồn: Internet)

Những hàng cây bên đường, trong công viên sau khi trồng bỗng dưng chết khô. Khi đào lên mới thấy người trồng cây không bóc lớp ni lông bọc gốc cho cây. Có lẽ, những cây xanh kia đã phải chịu khát, chịu ngạt với cảm giác tương tự một con người bị chụp một bao ni lông lên đầu đến khi tắc thở. Nhưng với những người trồng cây kia, họ vô tâm hay họ vô trách nhiệm nên chỉ đào hố và lấp đất. Vì sự dối trá và cẩu thả được che đậy dưới lớp đất kia nên mầm cây đã bị chết. Không đòi hỏi những người làm công việc này phải yêu cây, coi cây như những sinh linh sống. Chỉ cần họ làm đúng quy trình kỹ thuật như trách nhiệm của mình thì những cái cây kia không bị ngạt mà chết khô, và tiền của không bị lãng phí.

Trong những trận chung kết bóng đá nảy lửa, sự hò hét cổ vũ của khán giả Việt cho hai đội thể hiện sự đam mê và cuồng nhiệt cho môn thể thao vua. Tuy nhiên, trọng tài chưa kịp tuýt còn kết thúc trận đấu, một nửa sân đã vội vã ra về bỏ mặc nhà vô định nhận cúp. Các cổ động viên quan tâm đến sự dễ dàng cho mình hơn là tôn trọng những cống hiến hết mình của cầu thủ. Chứng kiến sự tôn trọng của khán giả Mỹ ở lại sân tennis , hay khán giả Anh reo hò chúc mừng đội bóng lên nhận cúp thì thấy tủi thân cho các nhà vô địch Việt Nam. Sau khi reo hò, thăng hoa và sung sướng họ đã vội vã bỏ rơi chính các thần tượng của mình ngay trên sân cỏ với chiếc cúp lạnh lẽo trên tay!

Khi cây xăng ở giữa Hà Nội cháy nhà quản lý mới tá hỏa hét toáng lên là cây xăng không nằm trong quy hoạch, không có giấy phép kinh doanh. Một cây xăng nằm ngay trung tâm thành phố, người xe tấp lập ra vào mà nhà quản lý chỉ biết khi nó bốc cháy thì quả là “con voi chui lọt lỗ kim”. Khi hàng chục người bị ngộ độc vì ăn bánh mì ở Bình Dương phải vào viện cấp cứu, khi đó cơ quan quản lý mới phanh phui ra là giấy phép kinh doanh đã hết hạn, quy trình bảo quản và chế biến thực phẩm không đúng quy cách. Và họ vội vàng phạt tiệm bánh, coi như đã hoàn thành trách nhiệm của mình. Trong tất cả những câu chuyện tương tự như hai câu chuyện này, nhà quản lý luôn vô can và họ chỉ xuất hiện khi việc đã rồi, viết biên lai phạt, và thu tiền.

Đây là những ví dụ rất đời thường để thấy rằng tính đại khái, sự nửa vời và tinh thần vô trách nhiệm đã trở thành phổ biến trong xã hội. Để lâu ngày, nó trở thành căn bệnh trầm kha và tạo thành nhân cách của con người. Sự nửa vời không làm chết ai ngay lập tức nhưng nó tạo ra các sản phẩm không hoàn thiện, làm xã hội xộc xệch, luật pháp tùy tiện và ngăn cản sự phát triển.

Sự nửa vời cũng dễ làm người ta hài lòng với những cái gì mình có, tự biện minh cho những yếu kém và ngại thay đổi. Trong chính trị, nó dễ dẫn đến những thỏa hiệp trong cải cách, ngay cả trên những vấn đề quan trọng nhất của đất nước. Có lẽ, chỉ khi Việt Nam đối mặt với nạn đói thì người dân mới được tự sản xuất trên mảnh đất của mình, và hình thành công cuộc đổi mới năm 1986. Hiện nay, khi đất nước khủng hoảng mô hình phát triển kinh tế vì sự mới lạ của “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, nhưng chúng ta vẫn còn dùng dằng chưa chịu bứt phá. Những vấn đề nghiêm trọng nhất của đất như khiếu kiện kéo dài và tranh chấp xảy ra liên quan đến việc thu hồi, đền bù và sử dụng đất đai vì chúng ta chưa thừa nhận quyền con người trong sở hữu tài sản đất đai. Đó là tham nhũng và lợi ích nhóm, vì chúng ta chưa có hệ thống giám sát quyền lực giữa ba nhánh quyền lực nhà nước và vai trò độc lập của xã hội dân sự. Đó là vấn đề phát huy sức mạnh toàn dân, sự sáng tạo và tinh thần đoàn kết dân tộc vì chúng ta chưa cụ thể hóa quyền tự do lập hội, tự do tư tưởng, tự do báo chí và tự do biểu đạt.

Có lẽ, người Việt nổi tiếng vì cái sự “lười” đi khám bệnh định kỳ để phát hiện bệnh tật sớm còn chữa trị. Thậm chí, nhiều người biết mình có bệnh nhưng vẫn lần nữa không muốn chữa vì hy vọng “mọi sự sẽ ok thôi, rồi bệnh sẽ tự khỏi”. Tiếc rằng, khi bệnh quá nặng vội vàng vào viện thì đã quá muộn, nếu chữa được thì cũng để lại di chứng lâu dài. Có vẻ, tính cách này đang được thể hiện trong mọi mặt đời sống gia đình, kinh tế, xã hội và chính trị của nước ta.

Mỗi người không cần làm hơn, chỉ cần làm đúng và đủ trách nhiệm, khi đó chắc chắn thay đổi sẽ đến thần kỳ. Hãy dậy con trẻ làm “đến nơi đến chốn” vì đó chính là một kỹ năng, một tính cách và một đạo đức của một con người. Nó sẽ giúp trẻ hình thành nhân cách, một nhân cách có trách nhiệm, không nửa vời và không đại khái với bản thân mình và với những người xung quanh!

Nho giáo vẫn cần cho sự phát triển của Việt Nam?

in Cộng Đồng

Luôn gắn liền với chính trị, lý thuyết thay đổi (LTTĐ) của các Quốc gia thường song hành với nền tảng ý thức hệ vốn được định hướng bởi Đảng cầm quyền. Về bản chất “Lý thuyết thay đổi” đơn giản là những gì chúng ta mong đợi sẽ xảy ra và quá trình đó sẽ xảy ra như thế nào. Lý thuyết thay đổi thường hay gắn liền với đường “thay đổi then chốt”, nơi cung cấp cho chúng ta một bức tranh tổng quát các đích cần đến, đồng thời hướng dẫn chúng ta tìm kiếm lộ trình phù hợp để đảm bảo rằng chúng ta không đi lệch hướng. Thường các thay đổi hay diễn ra chậm chạp, cần nhiều thời gian, trong khi đó các thành công không phải lúc nào cũng được nhận diện khi chúng xuất hiện. Do vậy việc xác định rõ chỉ số để nhận diện thành công, các mốc thời gian và không gian khi chúng diễn ra là hết sức quan trọng. Như vậy nếu không có LTTĐ thì các cộng đồng và đặc biệt là các Quốc gia sẽ trở nên dễ  bị tổn thương hơn do không biết lái con tàu của mình đi đến đâu và vì mục đích gì.


Ảnh: Lều chõng đi thi (nguồn: internet)

Thường hay song hành với lợi ích và tôn chỉ của Đảng cầm quyền nên đôi lúc Lý thuyết thay đổi của một Quốc gia có thể không phản ánh hết mong muốn của người dân cũng như các bước đi đến các thay đổi đấy. Quan trọng hơn nữa, thế giới rất đa dạng về văn hóa và chủng tộc, nhưng chúng ta lại phần lớn dựa vào hệ tư tưởng hay quan điểm triết học của Phương Tây – mà  chủ yếu là của người Đức để xây dựng xã hội. Chính vì vậy, trong quá trình phát triển của mình cần phải vận dụng sáng tạo và phù hợp với lịch sử cũng như văn hóa của nước mình. Nhiều nước như Nhật Bản và Trung Quốc đã dần dần sử dụng các giá trị truyền thống của dân tộc mình để trám vào các lỗ hổng do sự khác biệt về địa lý, văn hóa v.v. với quốc gia gốc (Đức) để lại.

Một vấn đề rất quan trọng nữa khiến cho các lý thuyết thay đổi có thể nhanh chóng bị lạc hậu là sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật. Khoa học kỹ thuật có thể giúp chúng ta đạt được các thay đổi nhanh hơn và hiệu quả hơn rất nhiều nếu chúng ta biết vận dụng một cách có chủ đích – vốn không được tiên lượng bởi các triết gia hay chí ít họ cũng rất khó có thể nhìn thấy hay đoán biết được là thế giới lại có thể “phẳng” nhanh đến như vậy. Những thứ chúng ta muốn thay đổi trong quá khứ nếu cần khoảng 10 năm và cần sự tham gia của 50% cộng đồng mới đạt được thì ngày nay có thể được thực hiện chóng vánh bởi một vài cộng đồng chuyên trách và chỉ xảy ra trong vài tháng. Như vậy, phải chăng đã đến lúc chúng ta nên tách biệt, hay ít nhất tạo ra nhiều không gian hơn cho việc bàn luận và cập nhật Lý thuyết thay đổi của Quốc gia một cách độc lập với quan điểm chính trị. Có nghĩa là lý thuyết thay đổi của một Quốc gia là mong muốn cả Dân tộc và bất cứ một Đảng cầm quyền nào đều cần phải có trách nhiệm hành động để tạo ra các thay đổi đó.

Vậy lý thuyết thay đổi của Việt Nam là gì? Trước hết do hoàn cảnh lịch sử nên Việt Nam bị ảnh hưởng rất nặng bởi Nho giáo. Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, văn hóa và triết lý phương Tây cũng được mang theo vào. Sau đó, Hồ Chí Minh đã tiếp thu triết học Mác Lê Nin và vận dụng để giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Đây chính là thành công to lớn trong việc vận dụng trí tuệ nhân loại cho nhu cầu của Việt Nam lúc bấy giờ. Gần dây, do sự thay đổi của thế giới cũng như đòi hỏi phát triển của đất nước, các giá trị dân chủ, tự do và bình đẳng đã được nghiên cứu và tiếp thu. Cùng với khoa học kỹ thuật và mô hình phát triển kinh tế thị trường, Việt Nam đã từng bước hưởng lợi từ việc áp dụng triết học phương Tây phục vụ sự phát triển dân tộc.

Tuy nhiên, trong các cách thức và con đường để đạt được sự thịnh vượng cho Đất nước mình, giá trị Á Đông cũng cần được khuyến khích và tận dụng triệt để. Thường khi nói đến Triết học Á Đông, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Nho giáo và liên tưởng đến sự trì trệ, không chịu thay đổi cũng như hạn chế tự do cá nhân và tự do tư duy của các thành phần trong xã hội thông qua việc áp dụng các lễ nghi rất phiền phức và các mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau. Tuy nhiên trong thực tế, ngoài các hạn chế như đã nêu, Nho Giáo đã khẳng định được vai trò chủ đạo của nó trong việc gắn kết và xây dựng một nhà nước tập quyền, một xã hội nền nếp, có trật tự, trên dưới thuận hòa và có đạo lý, những thứ mà một nước đang phát triển như Việt Nam hiện nay rất cần để có thể ổn định xã hội và hướng tới mục tiêu chung đó là tạo ra các thay đổi mang tính tích cực cho đất nước.

Ngoài ra giá trị Á Đông còn bao gồm ý thức cộng đồng cao, đoàn kết trong khó khăn, cần cù trong lao động và tiết kiệm trong tiêu dùng, cộng với tinh thần hiếu học, ham hiểu biết của người dân sẽ giúp chúng ta đi đến đích phát triển một cách nhanh chóng và bền vững. Giá trị Á Đông còn là khả năng chọn lọc và tiếp thu những gì tốt và có lợi cho cộng đồng mình đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ để chúng ta tận dụng linh hoạt và hiệu quả các thành tựu của Phương Tây với mục tiêu tạo ra các thay đổi nhanh hơn cho đất nước mình. Văn hóa Á Đông mà đặc biệt là Nho Giáo không khuyến khích sự thay đổi nếu không đảm bảo sẽ có lợi gấp đôi, nhưng bản thân nó đã chứa đựng biết bao thay đổi thông qua việc giao thoa giữa các quan điểm triết học nhằm đưa ra luận điểm và giải thích quá trình vận động và thay đổi của thế giới dựa trên “lưỡng nghi” trong Kinh Dịch. Dựa trên quan điểm triết học này thì các thay đổi đôi khi là tất yếu, vũ trụ và con người luôn luôn vận động để tạo ra những sự thay đổi này.

Thông qua các giá trị về làng, xã  của văn hóa Á Đông, sự đoàn kết sẽ giúp chúng ta huy động được sự tham gia và nguồn lực của hầu hết các nhóm/thành phần trong xã hội, những người có thể khác nhau về niềm tin tôn giáo, khác nhau về hệ tư tưởng chính trị hay đảng phái,v.v nhưng có cùng một khát vọng chung cho Đất nước – Một Việt Nam Thịnh Vượng và Yên Bình.

Như vậy, tiếp thu các triết lý trong triết học phương tây về dân chủ, tự do, quyền con người và khoa học kỹ thuật là tất yếu. Nhưng điều này không có nghĩa là phải gạt bỏ và phủ định toàn bộ giá trị của Triết học phương Đông. Có như vậy, chúng ta mới có một nền gốc để ổn định xã hội cho phát triển tự do. Điều này cần nghiên cứu để tạo lập Lý thuyết thay đổi của Việt Nam chúng ta, tạo “các thay đổi mang tính bước ngoặt” trong tương lai không xa!

Duy ý chí phá tan giấc mơ kinh tế hợp tác

in Cộng Đồng

Xóm Đông nằm cách trung tâm xã 5 km, chợ trung trung tâm huyện 16 km. Xóm có 130 hộ gia đình, trong đó có 40 hộ nghèo. Xóm Đông được tổ chức phi chính phủ SIDO chọn làm dự án điểm từ năm 2008 và kéo dài cho đến năm 2013 thì kết thúc. Cũng giống như các vùng dự án khác, SIDO giúp thành lập Tổ hợp tác mà thành viên là những hộ gia đình có cùng sở thích về lợn nái, lợn thịt, gà cũng như trồng trọt. Với niềm tin vào sự hợp tác và kinh tế tập thể nên cán bộ dự án cũng như chính quyền địa phương rất quan tâm và hỗ trợ phát triển các Tổ hợp tác. Các khóa tập huấn kỹ thuật, mở rộng thị trường, phát triển tổ chức, và lãnh đạo nhóm đã được cung cấp cho người dân. Các chuyến giám sát, đánh giá của cán bộ luôn có nội dung hoạt động tổ nhóm. Chỉ sau hai năm hoạt động, đến cuối năm 2010 đã có 10 Tổ hợp tác hoạt động nề nếp, và các hoạt động dự án được triển khai qua tổ nhóm được đánh giá là thành công.


Ảnh: Nông dân Khmer đổi công giúp nhau thu hoạch lúa (nguồn: văn hóa của mình)

Năm 2010 đại diện lãnh đạo của Tổ hợp tác được mời đi dự hội nghị đánh giá hoạt động kinh tế tập thể và hợp tác xã của Tỉnh. Trong cuộc họp này lãnh đạo chi cục Hợp tác xã (HTX) có gợi ý cho các Tổ hợp tác của xóm Đông chuyển đổi thành Hợp tác xã. Cán bộ phòng nông nghiệp Huyện cũng động viên và thuyết phục các Tổ hợp tác chuyển đổi. Uỷ ban nhân dân (UBND) huyện mời lãnh đạo các Tổ hợp tác đi học về Luật hợp tác xã và có nhiều cuộc trao đổi với UBND xã. Tại thời điểm đó, phân tích chung là việc Tổ hợp tác xóm Đông chuyển đổi thành Hợp tác xã có lợi cho cộng đồng, có lợi cho hệ thống và có lợi cho chính sách của Đảng và Nhà Nước. Chính vì vậy dự án cũng như các Tổ hợp tác đã thuyết phục được cả 130 hộ gia đình xóm Đông tham gia thành lập HTX. Quyết định này nhận được sự ủng hộ của UBND xã, phòng nông nghiệp huyện, UBND huyện và Huyện Uỷ.

Ngày 10 tháng 5 năm 2011 toàn bộ các Tổ hợp tác của xóm Đông chính thức chuyển thành HTX. Ông Trần Văn Bát,  chủ nhiệm Tổ hợp tác nuôi lợn nái được bầu làm chủ nhiệm HTX. Ông Bát học hết cấp II, thoát ly đi làm công an và học bổ túc hết cấp III. Ông công tác ở công an tỉnh 6 năm sau đó về xã làm công an xã đến khi được bầu là chủ nhiệm Tổ hợp tác nuôi lợn nái vào năm 2008. Ông đã tham gia nhiều khoá tập huấn khác nhau cho cán bộ của HTX và các khoá học về quản lý và lập kế hoạch do SIDO cung cấp.

HTX xóm Đông quyết định cung cấp hai dịch vụ: phân bón và thuỷ lợi. Hai hoạt động này do dân đưa ra dựa vào nhu cầu sản xuất của mình (phân bón và nước tưới). Để tạo vốn kinh doanh, mỗi gia đình thành viên HTX phải đóng góp 200.000 đồng. Tuy nhiên, có nhiều hộ nghèo phải đóng trong một năm mới đủ. Lượng kinh phí này rất ít ỏi (26 triệu đồng) và không đủ để cho HTX kinh doanh. Ban quản lý HXT cũng không dám vay vốn ngân hàng vì lãi suất cao và việc vay vốn từ ngân hành thương mại cũng không dễ dàng.

Tháng 10 năm 2011, HTX quyết định mua 20 tấn phân của công ty vật tư huyện (chịu 90%) mang về bán chịu cho dân. Theo thoả thuận, tháng 5 năm 2012 sẽ phải thanh toán tiền cho công ty để tháng 6 có thể lấy tiếp phân bán cho vụ sau. Tuy nhiên, do nhiều gia đình khó khăn không trả được tiền nên đến hạn thì dân vẫn nợ 60 triệu đồng. Ban quản lý HXT phải làm hợp đồng khất nợ với công ty. Cuối cùng, với nỗ lực thu hồi vốn của BQL  thì đến tháng 9 năm 2012 cũng gom đủ tiền trả hết nợ. Sau đó, HTX không tham gia hoạt động kinh doanh nữa và ngừng hoạt động vào năm 2012.

HTX xóm Đông không thành công nhưng hoạt định kinh doanh của hộ tư nhân vẫn tiến triển tốt. Anh Nguyễn Văn Lịch làm kinh doanh phân bón và thuốc trừ sâu bằng cách mua chịu của công ty vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc sâu) cung cấp cho 400 khách hàng ở xóm Đông và các xóm xung quanh. Khoảng 70% khách hàng mua chịu theo vụ (5 tháng). Một số trường hợp trả muộn, anh Lịch phải theo sát vận động và động viên để người dân trả tiền. Ai không có tiền trả, họ có thể thanh toán bằng củi, gà, chè, công, v.v. Hiện vốn quay vòng của anh Lịch phải được 400 triệu đồng và gia đình đang muốn mở rộng mặt hàng kinh doanh qua thuốc thú y, chữa trị bệnh gia súc tại thôn, cung cấp đồ điện, v.v. Với anh Lịch, vấn đề quan trọng là phải nắm bắt được nhu cầu người dân và linh hoạt trong hình thức thanh toán cũng như quan hệ cộng đồng giúp đỡ lẫn nhau.

Trên thực tế, việc điều hành HTX rất khó khăn vì phải cạnh tranh liên tục với tư nhân về giá cả, về thời gian chịu tiền và hình thức thanh toán. Nhiều tư nhân mang tiền đến ứng trước cho người dân để tạo ràng buộc và mở rộng thị trường. Trong khi đó, ngoài trình độ quản lý kinh doanh BQL còn kém, việc ra quyết định cũng không thể nhanh bằng tư nhân vì phải thông qua BQL. HTX cũng phải chịu nhiều chi phí hơn vì có nhiều người tham gia quản lý từ khâu giám sát đến thu hồi vốn. Điều này càng khó khăn hơn khi giá cả thị trường thay đổi liên tục, cộng với lãi suất ngân hàng cao làm cho việc kinh doanh theo mô hình HTX thêm phần khó khăn.

HTX xóm Đông là một điển hình cho bức tranh kinh tế HXT ở tỉnh. Theo ông Đào Xuân Thịnh chi cục trưởng chi cục HTX chỉ có khoảng 25% trong tổng số 123 HXT của tỉnh hoạt động khá giỏi (lãi từ 10 triệu trở lên). Đa số lãnh đạo HTX là lớn tuổi, có uy tín trong cộng đồng nhưng không có kinh nghiệm và tư duy kinh doanh thị trường. Sau “cơn sốt” thành lập HTX phần nhiều mang tính thành tích, việc thành lập HTX giờ phải thận trọng hơn, không nên thiên về số lượng mà phải là chất lượng. Việc các HTX bị phá sản nhiều đã dẫn đến mất niềm tin vào kinh tế tập thể như ở xóm Đông, và kéo theo khoản nợ cho người dân.

Rõ ràng việc thành lập HTX kinh doanh phải dựa vào thực tế chứ không thể chủ quan duy ý chí. Bất cứ hình thức nào khi tham gia thị trường đều bị chi phối bởi những quy luật khắc nghiệt của nó. Nếu không hiệu quả anh sẽ bị gạt khỏi cuộc chơi. Hơn nữa, cần loại bỏ tư tưởng “tiến hóa” trong sản xuất kinh doanh với niềm tin tập hợp nông dân thì thiệu quả hơn hộ gia đình cá thể, từ Tổ nhóm nông dân sẽ “nâng cấp” thành Tổ hợp tác và từ Tổ hợp tác sẽ “phát triển” thành Hợp tác xã. Trên thực tế, mỗi hình thức tổ chức chỉ phù hợp với nhu cầu, năng lực của những người tham gia và nhu cầu của thị trường. Nếu cứng nhắc chạy theo thành tích kinh tế tập thể không những sẽ thất bại mà còn khoác thêm gánh nợ cho người dân và nền kinh tế quốc gia.

Hãy giết mụ phù thủy độc ác!

in Cộng Đồng

Cả lớp được giao nhiệm vụ cứu những đứa trẻ bị ném xuống hồ bởi một mụ phù thủy độc ác. Theo tinh thần hoạt động nhóm, ai biết bơi được giao nhiệm vụ lao xuống hồ cứu trẻ. Kẻ thính tai, sáng mắt thì giám sát xem khi nào trẻ bị ném xuống hồ. Còn những người học y dược được giao nhiệm vụ cấp cứu và chữa trị cho trẻ.


Ảnh: phù thủy đi bắt trẻ em (nguồn internet)

Những đứa trẻ đầu tiên bị ném xuống hồ đã nhanh chóng được phát hiện và cứu sống. Cả lớp hả hê vì mình đã làm được nhiều việc tốt, cứu được nhiều mạng người. Tuy nhiên, càng ngày càng có nhiều đứa trẻ bị ném xuống hồ, cả bé trai và bé gái. Mọi người làm việc hết sức, thay ca liên tục nhưng cứu vẫn không xuể. Sự rệu rã, thất vọng, bất lực và giận giữ ngày càng tăng và hiện rõ trên từng khuôn mặt. Bỗng dưng có ai đó hét lên “hãy giết mụ phù thủy độc ác” làm cả lớp giật mình ngơ ngác. Làm sao giết được mụ phù thủy? mụ ta có phép thuật và chiếc chổi biết bay mà? Mụ ta đầy quyền lực và mưu mẹo chúng ta người trần mắt thịt làm sao đấu lại? “Hãy cùng nhau giết mụ phù thủy”. Tiếng hét lại vang lên một lần nữa. “Hãy giết mụ phù thủy”, một ai đó khác cũng lẩm bẩm nói theo. Tiếng hô “Hãy giết mụ phù thủy độc ác”, “hãy giết mụ phù thủy độc ác” nhanh chóng được đồng thanh bởi cả lớp. Mọi mệt mỏi, rệu rã như biến mất, cả lớp truy tìm và vây bắt mụ phù thủy. Không còn đứa trẻ nào bị ném xuống hồ nữa!

Đây là một bài học trong lớp được sử để giúp học viên thấy được tầm quan trọng của việc tìm ra nguyên nhân gốc rễ, cội nguồn gây ra vấn đề. Nó giúp mỗi người tự đặt câu hỏi “tại sao” cho những hiện tượng mình quan sát thấy, nghe thấy, đọc thấy hàng ngày. Tại sao công an ra sức bắt các gánh hàng rong mà ở góc phố nào ta cũng thấy họ? Tại sao chúng ta là nước thứ hai ký công ước bảo vệ quyền trẻ em nhưng ngồi quán café nào cũng thấy trẻ em bán báo và đánh giầy? Tại sao doanh nghiệp nhà nước được ưu tiên tiền vốn, đất đai, thị trường nhưng vẫn thất bại? Tại sao chúng ta theo mô hình Chủ nghĩa xã hội mà người thì thiếu đói không đủ ăn, kẻ thì ngày càng giàu ở biệt thự đi xe Lexus? Tại sao Đảng và nhà nước kêu gọi chống tham nhũng, nhưng tham nhũng ngày càng tràn lan? Tại sao Việt Nam vì “độc lập, tự do, hạnh phúc” và “muốn làm bạn với tất cả các nước” mà vẫn bị các thế lực thù địch chống phá và diễn biến hòa bình? Tại sao?

Việc tìm câu trả lời cho câu hỏi “tại sao” không hề dễ dàng vì nguyên nhân gốc rễ thường phức tạp, ẩn sâu, và được ngụy trang bởi nhiều thông tin gây rối. Để chạm đến sự thật con người không những phải vượt qua những giới hạn về kiến thức, năng lực phân tích mà quan trọng hơn là định kiến và những khuôn mẫu sẵn có của mình. Một ví dụ đơn giản đó là cư xử của chính quyền với những người bán hàng rong trên phố. Khoan bình luận về hình ảnh các lực lượng chuyên chính như công an và dân phòng nhong nhong ngồi trên xe ô tô đuổi bắt và thu các gánh hàng rong, hãy bắt đầu bằng việc đặt câu hỏi: tại sao chính quyền lại cấm bán hàng rong? Và tại sao việc cấm bán hàng rong lại thất bại?

Tại sao chính quyền cấm bán hàng rong? Câu trả lời luôn là “gây mất vệ sinh và trật tự nơi công cộng” hoặc “mất mỹ quan thành phố” hoặc “cản trở giao thông”. Có  người còn đưa ra lý do sâu xa hơn là do “họ không chịu đóng thuế cho nhà nước nhưng lại chiếm dụng vỉa hè lòng đường.” Chính vì phải bảo vệ “lợi ích công” nên chính quyền phải cấm các gánh hàng rong. Cách làm là giao cho lực lượng chính quyền với đầy đủ phương tiện để tuần tra và vây bắt. Từ đây xuất hiện cảnh các chị gồng gánh nháo nhác khi nhìn thấy xe tải có hai chữ “cảnh sát”. Người may mắn thì chạy thoát, người chậm chân hơn thì bị tịch thu “dụng cụ hành nghề” dù mếu máo xin tha. Pháp luật như sơn, những người thân cô thế độc thì làm sao bẻ cong được sự nghiêm minh của việc công quyền!

Tuy khó khăn, nhưng những gánh hàng hoa vẫn rực rỡ tô điểm cho sự duyên dáng của phố cổ Hà Nội. Những gánh hàng rau củ quả vẫn tươi roi rói, và những gánh cốm vòng dậy mùi lúa mới được gói trong những chiếc lá sen xanh rờn vẫn quyến rũ. Mê mẩn với âm thanh, mùi vị đặc biệt của phố phường đông đúc, những vị khách du lịch nước ngoài ngẩn ngơ chụp hình và mỉm cười cảm ơn những người bán hàng rong. Các bà các cô vẫn vủi vẻ sà vào các gánh hàng rong vì nó là thói quen không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của họ.

Rõ ràng, mua hàng rong là nhu cầu của xã hội. Những ông bà nội trợ muốn có sự thuận tiện ngồi nhà mà vẫn mua được những thứ mình muốn, vừa tươi vừa rẻ. Có nhu cầu thì sẽ có đáp cầu và những gánh hàng rong được sinh ra từ nhu cầu cuộc sống. Hơn nữa, gánh hàng rong là cách mưu sinh của những người phụ nữ và nam giới kia, cũng giống như một ai đó có nghề là chủ tịch phường hoặc giáo viên đứng trên bục giảng. Sau gánh hàng rong cũng là bữa cơm hàng ngày của một gia đình, là tiền đóng học phí cho con, hay tiền trả viện phí cho người chồng ốm. Đó là lý do tại sao những gánh hàng rong tồn tại trong cuộc sống dù có bị ngăn cấm.

Ngoài ra, hàng rong cũng là một hoạt động kinh tế mang lại tăng trưởng và công ăn việc làm cho hàng chục nghìn người lao động. Nó là một kênh tiêu thụ nông sản của nông dân và kênh phân phối hàng hóa nhanh và rẻ cho dân cư thành phố. Những phiền phức do người bán hàng rong gây ra xuất phát từ ý thức của họ hơn là bản chất hoạt động kinh doanh di động. Chính vì vậy, nó có thể khắc phục được nếu họ được hướng dẫn và tuân thủ các nguyên tắc khi “tham gia giao thông” và “vệ sinh đường phố”. Khi đó, chắc chắn việc quản lý của chính quyền sẽ hiệu quả hơn, vì nó không tiêu diệt sinh kế của hàng chục nghìn hộ gia đình cũng như xóa bỏ mạch máu của nền “kinh tế phi chính thức” giàu sức sống của Việt Nam.

Như vậy, nếu chính quyền chỉ xem hiện tượng bán hàng rong “gây phiền phức” mà không hỏi “tại sao” nó tồn tại để ra chính sách thì chắc chắn giải pháp sẽ sai và thất bại. Khi có cách nhìn khách quan, đa chiều, bao gồm cả quan điểm của người trong cuộc thì nguyên nhân sẽ được nhận ra. Khi đó, chính sách mới có tình, có lý để không những “đi vào cuộc sống” mà còn “bắt đầu từ cuộc sống và quay lại phục vụ nhân dân.”

Cũng giống như bài học “hãy giết mụ phù thủy độc ác”, dù đối mặt với vấn đề đơn giản hay phức tạp, thông tin có rối loạn hay rõ ràng, chân lý tưởng như duy nhất hay quyền lực tưởng như vô biên, mỗi chúng ta đều cần bắt đầu từ câu hỏi “tại sao” để tìm ra nguyên nhân gốc rễ. Cùng với kim chỉ nam là các giá trị bình đẳng, tự do và hạnh phúc cho tất cả mọi người thì con đường đi tìm câu trả lời sẽ tránh được định kiến và sai lầm. Tại sao như vậy? Có lẽ, mỗi người hãy tự trả lời cho mình!

Hoạt động chính trị cần cho cuộc sống

in Cộng Đồng

Trong cuộc sống, chúng ta hay nghe câu “không bàn chuyện chính trị, nó quá nhậy cảm” hoặc “tôi không quan tâm đến chính trị vì nó không ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi.” Trên thực tế, nếu là con người sống bình thường thì chắc chắn ai cũng phải tham gia vào hoạt động chính trị và bị ảnh hưởng bởi chính trị. Aristotle đã nói, “con người theo bản năng tự nhiên đã có tính chính trị.” Như vậy, tại sao hai câu nói trên thường là câu cửa miệng của nhiều người, kể cả già lẫn trẻ, ở Việt Nam?


Ảnh: thanh niên tham gia lớp học “be change agent” (nguồn: internet)

Trước tiên, ta nên hiểu chính trị là gì. Có nhiều định nghĩa khác nhau nhưng về bản chất, chính trị chính là cách các lực lượng xã hội khác nhau tự tổ chức, thảo luận và đàm phán để thống nhất những luật lệ mà những luật lệ này sẽ tác động và điều chỉnh cuộc sống của tất cả mọi người liên quan. Ở cấp quốc gia, các đảng chính trị sẽ vận động quần chúng nhân dân ủng hộ lý tưởng của mình để được bầu lãnh đạo đất nước. Trong quá trình vận động tranh cử, các ứng viên sẽ trình bày quan điểm và triết lý phát triển kinh tế hoặc an sinh xã hội, và nhân dân bầu cho quan điểm và triết lý phù hợp với mình.

Các hoạt động chính trị cũng có thể xảy ra ở cấp cộng đồng hoặc câu lạc bộ. Những ai muốn lãnh đạo sẽ phải thuyết phục các thành viên khác về chiến lược của mình. Ai được bầu có nghĩa triết lý và giải pháp của họ phù hợp với nhận thức và mong muốn của đa số các thành viên. Ví dụ, nếu bạn quan tâm đến người nghèo, bạn có thể tham gia vào Hội những người có mong muốn giúp đỡ bệnh nhân ung thư, trẻ em đường phố, hay các bệnh nhân nhiễm chất độc mầu da cam. Bạn sẽ tham gia bầu người đứng đầu nhóm của mình, thảo luận cách quyên tiền và cách trao tiền cho những người được lựa chọn. Khi đã thống nhất, toàn bộ nhóm, dù đồng ý hay không đều phải tuân thủ “nội quy” hoạt động của Hội. Cao hơn nữa, nếu bạn thấy cần phải vận động chính quyền thành phố phân bổ ngân sách cho các hoạt động từ thiện xã hội, bạn có thể tham gia vận động, hoặc bầu cho người cam kết ủng hộ mong muốn của bạn. Đây chính là các hoạt động chính trị thường ngày mà ai cũng đã từng tham gia, và chính trị luôn tồn tại và ảnh hưởng đến tất cả mọi người.

Nhưng tại sao chính trị lại trở thành xa lạ hoặc nhạy cảm đến vậy với nhiều người? Có lẽ, lý do đầu tiên là do quan điểm sai lầm về hoạt động chính trị. Nhiều người, thậm chí những người làm trong hệ thống nhà nước cho rằng chính trị chỉ gắn với đảng phái và chính quyền. Phiến diện hơn, có người cho rằng hoạt động chính trị có nghĩa là phản động và lật đổ chính quyền. Với sự hiểu biết hẹp hòi và sai lệch như vậy, hoạt động chính trị trở nên quá nhạy cảm, nguy hiểm và là điều cấm kỵ trong xã hội. Người dân né tránh học hỏi, tìm hiểu và thực hành hoạt động chính trị của mình. Khi đó, xã hội bị xơ cứng vì không tập hợp được trí tuệ của nhiều người cũng như chọn được người có tâm, có tầm để lãnh đạo xã hội và nhà nước.

Nhưng nguy hiểm hơn, sự sợ hãi chính trị không những làm tê liệt nhân dân mà còn ảnh hưởng đến các tầng lớp tinh hoa khác của dân tộc. Nhiều chính trị gia cho rằng hoạt động chính trị là quán triệt và tuân thủ một tư tưởng cố định nào đó nên họ né tránh và gạt bỏ những gì được cho là không đúng với tư tưởng đó vì sợ bị quy kết là “chệch hướng”. Đây chính là nguyên nhân của những định kiến, kỳ thị thậm chí là đàn áp chính trị trong xã hội. Nó cản trở tự do và ngăn cản sự tập hợp của các lực lượng xã hội. Khi đó, các nhà chính trị không thể lắng nghe và thực hiện vai trò đại diện cho lợi ích của nhân dân. Chính vì vậy, các nhà chính trị phải hiểu hoạt động chính trị là hoạt động tập hợp nhân dân, lắng nghe nhân dân, thuyết phục nhân dân bằng tư tưởng tự do và tầm nhìn bao quát toàn cầu khi lãnh đạo đất nước.

Bên cạnh đó, các nhà trí thức cần hiểu sâu sắc các hoạt động chính trị để tránh bị lệ thuộc vào ý chí chính trị của nhà cầm quyền. Nếu không, trí thức trở thành những con rối hay vật trang điểm cho những chính sách sai lầm, duy ý chí hơn là phản biện nhằm đảm bảo chính sách có lợi nhất cho nhân dân. Thiếu vắng phản biện, các nhà chính trị cũng dễ trở nên lạm quyền và nhân dân trở thành vật thí nghiệm cho những chính sách sai lầm và độc đoán. Khi đó, xã hội sẽ trở nên mất phương hướng như con thuyền mất bánh lái xoay tròn nơi dòng nước xoáy. Chính vì vậy, nhà trí thức phải hoạt động chính trị bằng cách tập hợp và đòi tự do nghiên cứu, tự do tư tưởng và đặc biệt là độc lập về chính trị. Khi đó, họ mới có khả năng dự báo, cảnh báo và định hướng cho xã hội và các nhà chính trị một cách khách quan.

Cuộc sống vận động và biến đổi không ngừng. Con người khác biệt và làm lên vẻ đẹp của sự đa dạng. Chính vì vậy, con người cần hoạt động chính trị để tích hợp ý tưởng, sáng tạo và tạo ra đột phá cho cuộc sống. Nếu chúng ta né tránh không dám hoạt động chính trị, có nghĩa chúng ta đi vào lối mòn, giáo điều và rơi vào thoái hóa. Điều quan trọng là khi hoạt động chính trị, hãy lắng nghe và thấu hiểu, hãy để từng người dân sống thật là mình, không giả dối, không vỏ bọc và không sợ hãi. Chỉ khi đó, dân tộc mới tịnh tiến về phía tự do và hạnh phúc.

Mô hình “phát triển bền vững” không bền vững?

in Cộng Đồng

Phát triển bền vững (sustainable development), ‘phát triển xanh’ (green development) hay triết lý cho rằng “phát triển đáp ứng được nhu cầu cơ bản hiện tại mà không làm ảnh hưởng đến sự sinh tồn của các thế hệ sau” như Bản thông báo của Hội đồng Brundtland, Liên Hiệp Quốc năm 1987 định nghĩa, đã trở thành khẩu hiệu cho hầu hết các chương trình phát triển ở các nước Thế giới thứ ba và trở thành vấn đề thảo luận chủ chốt của nhiều nghị sự thế giới trong những năm gần đây.


Ảnh: người Dao ở Yên Bái bán chè cổ thụ cho người Hà Nội làm cây cảnh (nguồn: văn hóa của mình)

Theo Adam trong cuốn Phát triển xanh (Green Development), phát triển bền vững không phải là một thuật ngữ mới. Diễn ngôn về phát triển bền vững nhấn mạnh đến sự quan trọng của việc kết hợp giữa bảo vệ môi trường (đa dạng sinh học, động thực vật quý hiếm, vv) với tăng trưởng kinh tế “trong một bàn chân duy nhất của sự duy lý phương tây” (Escobar 1995:192), đã trở thành phổ biến trong các nghị sự quốc tế và quốc gia từ những năm 1980.

Sau bản báo cáo Brundlant và cuộc gặp cấp cao ở Rio de Janeio, tất cả nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thế giới, theo Devon (2001:1), đã bị “toàn cầu hóa” và “theo đó sự đa dạng của nguồn tài nguyên văn hóa và sinh học tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới được chuyển thành “di sản chung của nhân loại”.

Cơ sở triết lý được dùng để biện minh cho tuyên bố này xuất phát từ giả thuyết mang tính tưởng tượng “tấm thảm kịch của tài sản chung” [the tragedy of the commons] của Hardin (1968). Theo Hardin, nông dân là các cá nhân duy lý, luôn tìm mọi cách khai thác tối đa các nguồn tài nguyên chung (common property) để phục vụ lợi ích cá nhân cho tới khi nguồn tài nguyên này cạn kiệt. Vì nguồn tài nguyên chung của cộng đồng địa phương là một phần của nguồn tài nguyên chung của thế giới, của nhân loại, và vì các cộng đồng địa phương không thể tự bảo vệ tài nguyên của họ do ‘vụ lợi cá nhân’ cũng như các phương thức mưu sinh của họ không ‘bền vững’ nên “tài nguyên chung” cần có sự can thiệp mang tính toàn cầu, được bảo vệ mang tính toàn cầu bởi các chuyên gia quốc tế thông qua các chương trình phát triển và bảo tồn khác nhau do họ thiết kế, như “đóng cửa tài nguyên chung” (the Ecologists, 1990).

Ngoài ra để tài nguyên nếu được sử dụng thì phải hiệu quả, nên cần phải tư nhân hóa tài nguyên chung (Goldman, 1998), tự do thương mại toàn cầu và sự phát triển công nghệ (Escobar, 1995, Adam 1990). Bằng việc thiết lập mô hình bảo tồn và phát triển mới theo kiểu “sự lô gic có tính thương mại và toàn cầu hơn trong việc sử dụng nguồn tài nguyên” (Goldman, 1993:22), nên mô hình phát triển bền vững này được tin là sẽ có thể hòa giải hai “kẻ thù trước đây của nhau”: sự tăng trưởng kinh tế và môi trường (Redclift, 1987).

Tuy nhiên, theo Escobar (1995:195), “cuối cùng thì bản Báo cáo [Brundtland] quan tâm ít đến hậu quả tiêu cực của tăng trưởng kinh tế lên môi trường mà chỉ quan tâm nhiều hơn đến tác động của suy thoái môi trường lên sự tăng trưởng và khả năng tăng trưởng – đó là sự phát triển, chứ không phải là môi trường được bảo vệ một cách bền vững”. Giống như ngôn thuyết và các mô hình phát triển chủ đạo được thực hành ở những năm 1950-1970, mô hình coi phát triển là một sự dịch chuyển tới gần với mô hình công nghiệp hóa về công nghệ và duy lý hóa cuộc sống, nên phát triển bền vững, ở cả khía cạnh lý thuyết và hệ các chiến lược của nó, bị chỉ trích mạnh mẽ bởi các nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội cũng như các cộng đồng địa phương.

Một trong những vấn đề bị chỉ trích mạnh mẽ nhất là khả năng bền vững của chính lý thuyết về phát triển bền vững này. Theo nhiều nhà nghiên cứu (Redclift 1987, O’connor 1991), nguyên tắc của mô hình phát triển bền vững trong đó coi tăng trưởng kinh tế thông qua tự do thương mại và tư nhân hóa nguồn tài nguyên thiên nhiên như là cách thức bảo vệ ‘thế giới xanh” hiệu qủa nhất, trước hết, dường như bỏ qua cái mà O’connor (1991) gọi là “mặt trái thứ hai của chủ nghĩa tư bản”. Nói cách khác, bằng việc cổ súy cho sự phát triển kinh tế dựa vào phương thức sản xuất tư bản, mô hình phát triển bền vững không tính đến các khía cạnh tàn phá điều kiện tự nhiên của quá trình tích lũy của mô hình tư bản chủ nghĩa. Vì vậy, theo Redclift (1987: 4): “Nếu phát triển bền vững muốn trở thành một mô hình thay thế cho sự phát triển không bền vững thì nó phải ám chỉ một sự tuyệt giao giữa mô hình tăng trưởng đơn tuyến và sự tích lũy, cái phá vỡ hệ thống bảo vệ trái đất”.

“Mặt trái thứ hai của chủ nghĩa tư bản” hay sự phá hủy sinh thái của mô hình sản xuất tư bản được O’connon và Redclift gợi ra đã được minh chứng bởi hàng loạt các nghiên cứu dân tộc học ở nhiều vùng trên thế giới. Ví dụ, ở Ấn Độ, Shiva (1991, 1992) and Gupta (1999) đã chỉ ra rằng, cuộc Cách mạng xanh được triển khai vào những năm 1960, 1970, một mô hình hiện đại hóa nông nghiệp theo kiểu kinh tế tư bản về công nghiệp hóa nông nghiệp, công nghệ ‘đơn văn hóa’ và sản xuất lớn cho thị trường như là một chiến lược tốt nhất để giải quyết vấn đề “giới hạn của tự nhiên”, đã làm gia tăng không chỉ nghèo đói và bất bình đẳng ở nông thôn mà còn phá hủy sự đa dạng sinh học và môi trường. Vấn đề tương tự cũng được Scott (1999) minh chứng thông qua nghiên cứu về những tác động tiêu cực của các dự án lớn về phát triển ở nhiều nơi trên thế giới.

Mô hình phát triển bền vững với triết lý quản lý tài nguyên toàn cầu và mô hình phát triển kinh tế theo kiểu phương Tây cũng gặp phải những thách thức khác khi hàng loạt các nghiên cứu trường hợp ở nhiều nơi trên thế giới được xuất bản bởi các nhà sinh thái học, nhân học và các ngành xã hội khác về tài sản cộng đồng (common property). Bằng các nghiên cứu về lịch sử phát triển của các mô hình quản lý công của các cộng đồng địa phương (Orstrom 1990, Ghai and Vivian 1995, Peluso 1992, Rambo at el. 1988, Devon 1998, the Ecologists 1993, Escobar 1992), các nghiên cứu này chỉ ra rằng cái gọi là “thảm kịch của tài sản cộng đồng” mà các nhà quản lý kinh tế và sinh thái quốc tế dùng để biện minh cho sự cần thiết phải có mô hình quản lý và phát triển kinh tế toàn cầu, trên thực tế, là “thảm họa của việc những người dân địa phương bị tách ra khỏi quê hương, bản quán của họ” (Devon 2001:9). Các nghiên cứu trường hợp được các nhà sinh thái học miêu tả và sự trỗi dậy mạnh mẽ của các phong trào xã hội và môi trường ở các nước Thế giới thứ ba để chống lại các mô hình mang tên “phát triển bền vững” do các chuyên gia Quốc tế giới thiệu minh chứng rằng người dân địa phương có thể tự  bảo vệ được nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình và có thể tự tìm các con đường phát triển của riêng họ.

Cùng với các nghiên cứu của các nhà sinh thái văn hóa và nhân học văn hóa, các nhà sinh thái chính trị phát triển một hướng tiếp cận khác để tìm hiểu về vấn đề nghèo đói và suy thoái môi trường. Các nghiên cứu trường hợp sử dụng cách tiếp cận sinh thái chính trị chỉ ra rằng vấn đề nghèo đói và suy thoái môi trường không phải là vấn đề “mang tính đơn lẻ hay các điều kiện tồn tại tự thân” [isolated or self perpetuating conditions], mà là hệ quả của sự bất bình đẳng trong quan hệ quyền lực về sản xuất, quyền đối với tài nguyên thiên nhiên, bất bình đẳng về phân phối, tiếp cận và quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên diễn ra trong thời kỳ mở rộng của chủ nghĩa thực dân và tư bản chủ nghĩa (Bryant and Bailey 1997, Peet and Watts 1996, Peluso 1992). Những đóng góp của các nhà sinh thái học chính trị, vì vậy, không chỉ thách thức triết lý “đổ lỗi cho nạn nhân”, tức là coi sự nghèo đói và suy thoái môi trường chủ yếu là do gia tăng dân số và thực hành kinh tế ‘lạc hậu’ của người địa phương, mà còn cung cấp một cách nhìn mới về vấn đề bền vững. Theo đó, cái mà các nhà phát triển bền vững cần để có được sự bền vững thực sự không phải là mô hình phát triển và quản lý tài nguyên toàn cầu như Báo cáo Brundlant và các tổ chức tài chính quốc tế thực hiện. Thay vào đó, họ phải đưa vào trong mô hình của họ, như Adam (1990: 200) lập luận “các lý thuyết về nền kinh tế quốc tế vận hành như thế nào” và các mối quan hệ giữa con người, vốn và quyền lực của nhà nước trong việc tạo ra sự đói nghèo và suy thoái môi trường.

Tuy nhiên, thật không may là các nhà thực hành công tác “phát triển bền vững”, những người tự nhận trọng trách thay mặt các cộng đồng cư dân địa phương trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên cho họ chưa bao giờ nhắc đến một từ nào mà Adam đưa ra. Nguyên nhân chính, theo Goldman (1998), Escobar (1995), Gupta (1998), là các ngôn thuyết và các mô hình phát triển bền vững không phải được xây dựng để giải quyết vấn đề đói nghèo và suy thoái môi trường mà là để thiết lập các thể chế ẩn về sự đô hộ và thực dân của các nước phương Tây đối với các nước Thế giới thứ ba. Sự xuất hiện của mô hình phát triển mới này, theo Gupta (1998:321) thực chất có quan hệ mật thiết đến sự tái cơ cấu của chủ nghĩa từ bản trong nửa cuối của thể kỷ 20.

Chiến lược và thực hành đặt dưới cái tên phát triển bền vững theo nhiều nhà nghiên cứu, vô tình hay hữu ý, đã phá bỏ hệ giá trị về sự bền vững của các cộng đồng địa phương, tác động tiêu cực đến quyền sở hữu và tiếp cận tài nguyên, quyền ra các quyết sách, quyền có được các cơ hội mưu sinh và công bằng xã hội. Hệ quả của mô hình áp đặt này, ở một vài nơi, là ‘các dạng thức phản kháng hàng ngày’ (everyday forms of resitance) (Scott 1976) một cách hòa bình như trường hợp của người dân Java, Indonesia (Peluso 1992) và Miến Điện (Bryant 1997). Ở nhiều nơi khác, đó là các cuộc xung đột có cả máu và sự chết chóc như trường hợp của người Hmong ở Thái Lan (Peakew 2000), người Zapatistas in Mexico (Castells 1997) và nhiều vùng nông thôn ở Ấn Độ (Silva 1999).

Diễn ngôn về phát triển bền vững cũng là một diễn ngôn liên quan đến chủng tộc, giai cấp và tộc người. Ở phạm vi quốc gia, diễn ngôn này thường được xây dựng và thực hành bởi các nhà làm chính sách lấy quan điểm dân tộc lớn làm trung tâm. Ở nhiều nơi, nó được xây dựng từ “sự tưởng tượng mang tính định kiến” (prejudice imagination) của các nhà làm chính sách về sự phân cực lưỡng đôi giữa một bên là ‘văn minh’, ‘màu mỡ’, ‘khoa học’ của vùng đồng bằng với sự ‘lạc hậu’, ‘cẵn cỗi’, ‘ngoại biên’ của vùng miền núi (Sowerin 2003, Tania 1999). Từ đó, dẫn đến những sai lầm về chính sách mang tính áp đặt lên các cộng đồng địa phương.

Ngày nay, cùng với quá trình toàn cầu hóa và những quan điểm về “phát triển bền vững” theo kiểu phương Tây, những mối đe dọa đối với đa dạng sinh học và biểu đạt văn hóa – hai cơ sở quan trọng cho sự phát triển bền vững của các cộng đồng tộc người và loài người – ngày càng tăng: áp lực kinh tế, áp lực về chính trị, sự mất mát của nhiều loại tri thức địa phương cũng như di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tộc người. Nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội của nhiều quốc gia được triển khai dưới cái tên ‘phát triển bền vững” cũng trở thành một gánh nặng cho đời sống văn hóa và sự duy trì bền vững của nhiều tộc người. Có lẽ, đã đến lúc cần phải nhìn nhận lại diễn ngôn phát triển bền vững và những tác động không mong đợi của nó đối với sự phát triển bền vững của các tộc người địa  phương.

Các dự án phát triển tăng quyền hay tước quyền của người dân?

in Cộng Đồng

Trong phát triển, một trong các nguyên nhân của đói nghèo hay được nhắc đến, đó là sự thiếu vắng quyền lực của người nghèo và cơ hội tham gia vào trong các dự án phát triển, quá trình hoạch định chính sách ở địa phương và trung ương. Chính vì vậy, một trong các giải pháp bền vững mà các tổ chức phi chính phủ, các nhà tài trợ hay hướng đến đó là tăng quyền cho người nghèo. Họ tin rằng, khi người nghèo có quyền họ sẽ đòi quyền và yêu cầu nhà nước thực hiện nghĩa vụ. Như vậy người nghèo có thể tham gia vào việc quản lý xã hội, phân bố nguồn lực và ra chính sách có lợi cho mình.


Ảnh: người dân tự tạo ra các không gian riêng của mình trong cuộc sống hàng ngày (nguồn: Văn hóa của mình)

Để hiểu được thực sự các dự án có tăng quyền hay trao quyền (empowerment) cho người dân không, chúng ta phải hiểu về quyền lực và cách tăng quyền thực sự cho người dân là gì. Khi nhìn nhận quyền lực dưới góc độ cách thể hiện, người ta nói tới bốn sắc thái về quyền lực. Thứ nhất là “quyền lực lấn át” thể hiện cách người ta áp đặt ý kiến/quyết định của mình cho những người yếu thế hơn. Thứ hai là “sức mạnh tự cường” thể hiện qua việc người ta không bị khuất phục bởi khó khăn, thể hiện qua các quyết định để vượt qua khó khăn. Thứ ba là “sức mạnh tập thể” thể hiện qua việc người ta đoàn kết lại để cùng làm một việc gì đó. Và thứ tư là “sức mạnh nội tại” thể hiện qua việc người ta tự tin ở bản thân mình, tự hào về mình và biết quyền của mình.

Như vậy, việc tăng quyền lực cho những nhóm yếu thế thành công hay không phụ thuộc vào việc dự án có giúp xây dựng sức mạnh tập thể (các nhóm yếu thế đoàn kết hơn để giải quyết khó khăn của mình), sức mạnh nội tại (khơi gợi niềm tự hào trong người dân, giúp họ tự nhận ra khả năng của mình v.v.) và sức mạnh tự cường (người dân tự chủ và không bị lệ thuộc vào các hỗ trợ bên ngoài) hay không. Ngoài ra, cũng cần phải giúp người dân đối phó với các quyền lực lấn át của các đối tác bên ngoài, thường muốn áp đặt ý tưởng lên cộng đồng.

Để tăng sức mạnh tập thể, một hình thức rất phổ biến các dự án hay áp dụng, đó là thành lập Tổ nhóm nông dân hay Câu lạc bộ cùng sở thích. Sau khi đánh giá nhu cầu, ai muốn nuôi lợn sẽ tham gia vào Nhóm nuôi lợn, ai muốn trồng cây sẽ tham gia vào Nhóm trồng cây. Mỗi tổ nhóm nông dân có từ 10 đến 20 hộ gia đình, tùy theo số người tham gia và quy mô dự án. Ai không tham gia Tổ nhóm hoặc Câu lạc bộ sẽ không được nhận tài trợ. Điều này là do các dự án tin rằng nông dân cần hợp tác với nhau để tăng thêm sức mạnh tập thể. Ví dụ, khi nông dân cùng nhau mua đầu vào với số lượng lớn họ có thể đàm phán để có giá cả tốt hơn, hoặc cùng nhau bán sản phẩm, có thể đàm phán bán được giá hời hơn.

Từ triết ly này, Tổ nhóm nông dân được yêu cầu phải sinh hoạt thường kỳ. Họ phải cùng nhau đưa ra nội quy, kế hoạch hoạt động và bầu trưởng nhóm, phó nhóm và kế toán. Bên cạnh nội dung sinh hoạt về nuôi lợn hay trồng cây ăn quả, họ được yêu cầu lồng ghép những vấn đề khác như bình đẳng giới, dân chủ cơ sở và chống biến đổi khí hậu. Ngoài “cái ăn cái mặc”, các Tổ nhóm và CLB còn tăng cường quyền con người và hướng đến phát triển bền vững. Chỉ số thành công là số Nhóm hoặc CLB sinh hoạt thường kỳ, bàn thảo các nội dung ‘quan trọng’, bên cạnh nuôi lợn béo và trồng cây khỏe.

Tuy nhiên, một thực tế phổ biến là các Tổ nhóm và CLB do các dự án dựng lên thường rơi vào trạng thái “ngủ đông” hoặc ngừng hoạt động ngay lập tức sau khi dự án kết thúc. Đâu là nguyên nhân?

Có lẽ sai lầm đầu tiên của các dự án phát triển đó là không kiểm soát “quyền lực lấn át” của mình. Các cán bộ dự án thường học cao biết rộng, thấy mình “biết nhiều hơn” những nhóm yếu thế và vì vậy mình cần phải “chia sẻ” những ý kiến của mình. Việc chia sẻ thường dựa trên ý tốt, trách nhiệm và nhiều khi xảy ra một cách vô thức. Tuy nhiên, cán bộ dự án luôn mang trên mình một quyền lực to lớn của nhà tài trợ có tiền, nên những gợi ý của họ đôi khi trở thành “điều đúng nên làm” đối với người nghèo. Khi dự án giới thiệu mô hình Tổ nhóm với những “triết lý” sâu xa, người dân dễ dàng tuân theo ngay lập tức. Việc tuân theo này không phải vì họ hiểu hoặc đồng thuận với “mô hình tăng quyền của tổ nhóm”, mà vì nếu không tham gia họ sẽ bị gạt ra bên ngoài.

Sai lầm thứ hai chính là các không gian “dự án tạo” mang tên Tổ nhóm hoặc Câu lạc bộ. Không gian này được tạo ra theo nhu cầu/yêu cầu của dự án hơn là của người dân. Chính vì vậy, người dân là khách hơn là chủ trong ngay các Tổ nhóm và CLB xây dựng cho họ. Đây chính là vấn đề cốt tử vì các dự án thay vì đảm bảo tính sở hữu và khơi gợi sức mạnh nội tại đã làm cho người dân tự ti và phụ thuộc vào bên ngoài. Thái độ “thôi họ có cho mình là tốt rồi, đòi hỏi làm gì” trở nên phổ biến. Chính cách làm áp đặt, xin cho, và không thực sự tôn trọng và lắng nghe ý kiến người dân là nguyên nhân gốc rễ. Đây chính là hậu quả mà nhiều dự án để lại: người dân trở nên phụ thuộc hơn vào hỗ trợ bên ngoài và tính tự vươn lên bị mai một nghiêm trọng.

Chính vì vậy, thay vì xây dựng những không gian “dự án tạo” nên tìm kiếm các không gian “nhân dân tạo” có sẵn trong cộng đồng. Các không gian này có thể là Hội, Phường hoặc Diễn đàn mà người dân đã liên kết với nhau. Đây là các không gian được hình thành, sở hữu và làm chủ bởi chính người dân. Trong các không gian này, người dân rất tự tin, tự chủ, gắn kết và chia sẻ với nhau. Dự án như là người ngoài, tiếp cận, lắng nghe, học hỏi và gợi ý các vấn đề để người dân thảo luận trong không gian của mình. Khi đó, chắc chắn chất lượng thảo luận sẽ cao, và các quyết định sẽ thực sự của tập thể nhân dân hơn là của cán bộ dự án.

Như vậy, tăng quyền cho người nghèo và các nhóm yếu thế là mục đích tốt đẹp mà các tổ chức phát triển mong muốn hướng tới. Tuy nhiên, điều đầu tiên cán bộ của các tổ chức này cần làm là kiểm soát quyền lực của mình. Họ nên thúc đẩy các không gian tự tạo của người dân, và đóng vai trò khơi gợi các vấn đề để người dân thảo thuận, phân tích, đưa ra giải pháp và thực hiện. Có như vậy, sức mạnh tập thể, sức mạnh nội tại và sức mạnh tự cường của người dân mới được tăng lên và sứ mệnh trao quyền mới thực sự thành công.

Khi nào nền dân chủ xuất hiện?

in Cộng Đồng

Có nhiều tranh cãi khác nhau về mối quan hệ giữa dân chủ và tăng trưởng kinh tế. Nhiều người cho rằng nếu các quốc gia nghèo nhất muốn tăng trưởng kinh tế, họ phải hạn chế sự tham gia của xã hội dân sự vào các vấn đề chính trị. Trường phái này giải thích, do vì đáp ứng yêu cầu của những người bỏ phiếu, các đảng phải chính trị thường đưa ra các chính sách ưu tiên cho tiêu dùng cá nhân hơn là các đầu tư mang lại tăng trưởng về lâu dài. Chính vì vậy sự tham gia chính trị phải được kiểm soát, ít nhất là tạm thời, để cổ xúy cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến phản bác khi cho rằng dân chủ và sự tham gia chính trị của xã hội dân sự là cần thiết, vì nó đảm bảo quyền tự do kinh doanh và chính phủ được kiểm soát và hoạt động minh bạch. Khi đó nguồn lực sẽ được phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn nên kinh tế sẽ tăng trưởng tốt hơn.


Ảnh: Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và một số ĐBQH trong ngày khai mạc kỳ họp thứ Năm, kỳ họp bàn về sửa đổi Hiến pháp
(nguồn: Lê Anh Dũng – Minh Thăng – vietnamnet)

Tuy nhiên, dân chủ xuất hiện như thế nào và trong điều kiện gì thì một nhà nước độc tài chuyển đổi thành một nhà nước dân chủ cũng là một câu hỏi cần giải đáp.

Theo lý thuyết nội sinh, khi một đất nước phát triển thì cấu trúc xã hội trở nên phức tạp hơn, sản xuất yêu cầu một sự liên kết chủ động giữa công nhân, và các nhóm xã hội mới được hình thành, tổ chức lại với nhau. Như là điều hiển nhiên, hệ thống xã hội đa dạng mới không thể được điều hành bởi kiểu ra mệnh lệnh cũ. Các nhóm khác nhau, dù là tầng lớp quý tộc, lao công, hay các tổ chức xã hội dân sự vô định hình sẽ nổi lên và lật đổ chế độ độc tài chuyên chế. Theo lý thuyết này, khi thu nhập của một đất nước đạt đến một ngưỡng nào đó, thì quá trình dân chủ hóa sẽ diễn ra.

Còn lý thuyết ngoại sinh cho rằng các nền dân chủ xuất hiện khá ngẫu nhiên, không liên quan đến ngưỡng phát triển. Tuy nhiên, dân chủ sẽ sống sót ở các nước khá giả hơn và chết yểu ở các nước nghèo hơn. Nói cách khác, nó sống sót ở các nước hiện đại nhưng không phải là sản phẩm của quá trình hiện đại hóa. Như vậy, xác suất để một nước trở thành dân chủ không thay đổi khi mức thu nhập của nó tăng lên. Trường phái này nhấn mạnh đến tăng trưởng như là yếu tố giúp cho các thể chế dân chủ duy trì nhưng không gây ra các thay đổi dân chủ hóa ở các nước độc tài.

Adam Przeworski và Fernando Limongi chứng minh lý thuyết ngoại sinh bằng cách sử dụng số liệu của 135 nước trong giai đoạn từ 1950 đến 1990 để giải thích nguyên nhân của quá trình dân chủ hóa. Họ quan sát thấy việc chuyển từ chế độ độc tài qua chế độ dân chủ không theo lý thuyết nội sinh. Sự chuyển đổi tăng khi thu nhập tăng, nhưng chỉ đúng đến ngưỡng khoảng 6000 đô la. Sau ngưỡng đó, chế độ độc tài, nếu sống sót, trở nên vững chắc hơn cho dù thu nhập tiếp tục tăng. Nói cách khác, chế độ độc tài tồn tại vững chắc ở các nước có thu nhập dưới 1000 đô la, nhưng lung lay ở những nước có thu nhập từ 1000 đến 4000 đô la, và tiếp tục vững chắc sau ngưỡng 6000 đô la.

Carles Boix và Susan C. Stokes phản biện lại và cho rằng, xác suất để một nước chuyển qua chế độ dân chủ sau ngưỡng 6000 đô la thấp là do có rất ít nước độc tài tồn tại sau khi thu nhập vượt ngưỡng này. Nói cách khác đa số các nước đã chuyển qua chế độ dân chủ trước khi đạt ngưỡng thu nhập này. Họ cho rằng mức độ phát triển có ảnh hưởng to lớn đến sự sống sót của các nền dân chủ. Xem xét lại số liệu của 135 nước, Boix và Stokes không thấy bất cứ nền dân chủ nào bị đổ nếu thu nhập đã vượt 6000 đô la, cụ thể có 32 quốc gia dân chủ đã tồn tại 736 năm. Trong khi đó có 39 nền dân chủ trong số 69 quốc gia dân chủ có mức thu nhập thấp hơn đã bị chết yểu. Họ kết luận xác suất chết của một nền dân chủ giảm dần đều khi thu nhập đầu người của quốc gia đó tăng lên. Họ giải thích cho hiện tượng này là do việc phân bổ thu nhập không đồng đều ở các nước này. Ở các nước nghèo hơn, mâu thuẫn trầm trọng hơn và sự bất bình đẳng cao hơn nên các nhà độc tài có nhiều lợi ích trong việc “chiến đấu” để thu vén cho mình.

Carles Boix và Susan C. Stokes cho rằng phát triển có tác động lên cả quá trình nội sinh lẫn ngoại sinh của quá trình dân chủ hóa. Thứ nhất, khi phát triển càng cao thì xác suất để quá trình chuyển đổi qua thể chế dân chủ xuất hiện càng lớn. Tuy nhiên, xác suất này không tăng mãi, hay nói cách khác, tác động của phát triển lên khả năng chuyển đổi là giảm dần. Thứ hai, sự tăng trưởng của kinh tế chính là yếu tố để ổn định nền dân chủ, nên khi thu nhập tăng thì khả năng ổn định của các nền dân chủ sẽ cao hơn. Boix và Stokes ủng hộ quan điểm cho rằng dân chủ không phải là sản phẩm thuần túy của thu nhập, nhưng nó là sản phẩm của những thay đổi khác tạo ra trong quá trình phát triển, ví dụ như bất bình đẳng về thu nhập. Họ cho rằng, không phải thu nhập cao hơn tạo ra dân chủ, mà là bất bình đẳng trong thu nhập đã tạo ra đòi hỏi dân chủ hóa.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng thu nhập chỉ là biểu hiện của giáo dục và rõ ràng những người có giáo dục cao hơn thường tiếp nhận các giá trị dân chủ tốt hơn. Bên cạnh đó, cũng có người cho rằng, mức độ thu nhập hiện tại của một quốc gia không phải là yếu tố quyết định đến sự sống sót của các nền dân chủ, mà là kinh tế của nước đó có tăng trưởng hay không. Số liệu cho thấy, dân chủ có khả năng sống sót cao hơn ở những quốc gia kinh tế đang tăng trưởng, cho dù có thu nhập dưới 1000 đô la. Còn ở những nước có thu nhập trong khoảng 1000-2000 đô la, nhưng kinh tế đang suy giảm thì tỉ lệ chết yểu của nền dân chủ còn cao hơn. Nếu dân chủ tạo ra phát triển thì dân chủ có thể tồn tại ở ngay các quốc gia nghèo nhất.

Như vậy, không những có ý kiến khác nhau về mối liên hệ giữa dân chủ và tăng trưởng kinh tế, mà còn có những ý kiến khác nhau về điều kiện ra đời và sự tồn vong của các nền dân chủ. Việt Nam hiện đang đi vào ngưỡng thu nhập trung bình, cụ thể là trên 1.200 đô la tuyệt đối, hoặc gần 3.000 đô la nếu tính theo sức mua tương đương PPP. Sau hơn 20 năm đổi mới, xã hội Việt Nam cũng đã trở nên đa dạng và phức tạp hơn. Nhiều nhóm dân cư có nhu cầu tự do, tổ chức và đòi hỏi nhà nước phải có trách nhiệm giải trình cao hơn. Sự bất bình đẳng về thu nhập và cơ hội giữa các thành phần dân cư, tham nhũng và sự thiếu minh bạch trong việc quản lý đất đai và tài nguyên ngày càng tăng tạo ra sự thất vọng trong dân chúng. Cho dù mỗi quốc gia có một điều kiện khác nhau và lý thuyết nội sinh hay lý thuyết ngoại sinh đúng, thì quan sát những thay đổi gần đây ở Việt Nam và trong những năm tới là rất cần thiết và thú vị.

Nỗi nhục dân tộc và Dự án Quốc gia cho Việt Nam

in Cộng Đồng

Sau chiến tranh thế giới thứ Hai, Nhật Bản có một Dự án quốc gia đó là phục hưng dân tộc. Nén lại những tủi nhục của một nước thất trận, người Nhật tập trung vào một mục đích duy nhất đó là trấn hưng nền kinh tế, đầu tư vào khoa học kỹ thuật, và biến Nhật Bản thành một quốc gia hùng cường. Tương tự như vậy, Trung Quốc đang có một Dự án quốc gia. Đó là thoát khỏi nỗi nhục bị xâm chiếm, đói nghèo, và trở lại vai trò “trung tâm của thế giới” như thời hoàng kim xưa. Tuy có nhiều vấn đề như tham nhũng, môi trường nhưng Trung Quốc tiếp tục tiến về phía trước vì toàn dân tộc đoàn kết xung quanh một mục đích: rửa nỗi nhục bị xâm chiếm và đô hộ bởi Nhật Bản trước đây.


Ảnh: người dân Việt Nam ăn mừng chiến thắng của đội bóng (nguồn: internet)

Việt Nam đã từng có một Dự án quốc gia, đó là giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Sau bao nhiêu năm chịu sự đô hộ của Thực dân Pháp, chịu nạn đói do Nhật Bản gây ra và sự chia rẽ của ý thức hệ, toàn dân tộc có một mục tiêu duy nhất đó là giải phóng quốc gia, thống nhất đất nước. Khát khao độc lập tự do, thoát khỏi kiếp nô lệ đói nghèo đã đoàn kết dân tộc, là kim chỉ nam để từng người dân hành động. Những gì gây hại cho mục đích quốc gia sẽ bị loại bỏ, những gì có ích sẽ được phát huy. Toàn dân tộc đồng lòng tiến lên phía trước, và sức mạnh dân tộc đã biến ước mơ thành sự thật.

Sau chiến thắng, người Việt say sưa với vóc dáng to lớn mang tính thời đại của mình. Ánh hào quang từ chiến trường đã làm cho chúng ta đi hết sai lầm này đến sai lầm khác trong phát triển kinh tế và xã hội. Tưởng rằng nhân dân đã được tự do, cơm no áo ấm, nhưng dường như ước mơ này vẫn còn xa vời ở phía trước. Chúng ta không những phải vật lộn với những vấn đề cũ như đói nghèo, dân chủ, tự do, mà còn với cả những vấn đề mới như bất bình đẳng, chia rẽ dân tộc và sự phổ biến của tham nhũng và lợi ích nhóm. Dường như, 38 năm sau khi đất nước được thống nhất độc lập, thành tựu chúng ta đạt được thì ít mà vấn đề chúng ta tạo ra thì nhiều.

Vấn đề lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt đó là sự thiếu vắng của một Dự án quốc gia. Sự chia rẽ trong ý thức hệ, xé lẻ trong niềm tin và lợi ích nhóm đã phá hủy khối đoàn kết dân tộc. Sự thiếu vắng của một tinh thần ái quốc đã làm cho nhiều người Việt chỉ quan tâm thu vén cho lợi ích bản thân. Cán bộ lãnh đạo chỉ mong giữ ghế vì những lợi lộc mà mình có được từ tham nhũng. Doanh nghiệp chỉ mong có được sự ưu đãi của chính phủ trong nguồn vốn đầu tư và độc quyền thị trường. Người kinh doanh bất động sản chỉ  mong tước đoạt được ruộng đất của nông dân với giá bọt bèo để kiếm lời kếch xù. Các nhà máy, chỉ chăm chăm bóc lột công nhân, thải rác và hóa chất độc hại ra môi trường.

Trong một xã hội hỗn mang, lòng vị tha trở thành một thứ hiếm hoi và xa xỉ. Con người không còn năng lực tư duy và hành động theo mong muốn của người khác, thậm chí cả những người xung quanh như hàng xóm và đồng nghiệp của mình. Bác sĩ chỉ muốn kê đơn thuốc theo tỉ lệ hoa hồng của các công ty dược phẩm. Y tá, chỉ mong nhận phong bì cho việc tiêm và thay bông băng cho bệnh nhân. Giáo viên muốn dậy thêm để thu tiền hơn là quan tâm đến sự trưởng thành của từng học sinh. Nông dân trồng rau sạch cho mình còn rau bẩn bán cho thiên hạ. Con người chỉ suy nghĩ và định hướng theo lợi ích cá nhân của mình, nhiều khi bỏ qua cả sự liêm sỉ trong hành vi, lời nói, thậm chí cả tư duy suy nghĩ.

Việt Nam đang ở trong thời khắc khó khăn và nguy cơ tụt hậu là có thật. Nếu nhìn xung quanh, chúng ta thấy mình đã kém xa rất nhiều so với những nước ngay trong khối ASEAN. Không cần tính Singapore, Thái Lan hay Malaysia, Việt Nam có nguy cơ tụt hậu so với cả Campuchia hoặc Miến Điện trong thời gian tới. Chúng ta đã xì hơi quá sớm chỉ sau gần hai thập kỷ phát triển và hiện có một nền kinh tế dúm dó. Đau lòng là trong thế bĩ cực, thay vì cùng nhau vá vết thủng, tìm hướng phát triển cho tương lai thì chúng ta lại thi nhau xâu xé cái vỏ bóng xì hơi, hy vọng chiếm được phần nhiều về cho mình. Đây thực sự là mối nhục quốc gia vì chúng ta không phải là một dân tộc tồi nhưng chúng ta đã làm việc cùng với nhau rất tồi cho một tương lai chung.

Việt Nam cần có một dự án quốc gia để đoàn kết toàn dân và hướng tới tương lai. Chúng ta cần có một nỗi nhục chung, một nỗi sợ chung để kề vai, sát cánh. Có người nói, mối đe dọa từ Trung Quốc là một yếu tố để người Việt đoàn kết với nhau. Mỗi khi có gây hấn, không kể Việt cộng hay Việt kiều, miền Nam hay miền Bắc, người dân tộc thiểu số hay người Kinh đa số, tất cả đều đồng lòng bảo vệ lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, quá nguy hiểm khi lấy mối đe dọa từ Trung quốc làm động lực vì nó sinh ra chủ nghĩa dân tộc dễ dẫn đến những chính sách và hành động sai lầm. Hơn nữa, ngay quan hệ với Trung Quốc thì cũng chưa có sự đồng thuận, đặc biệt giữa lãnh đạo và nhân dân. Mà rõ ràng, khi có sự lệch pha giữa giới tinh hoa và quảng đại quần chúng thì dự án quốc gia nào cũng sẽ thất bại.

Chính vì vậy, chúng ta phải tự tạo ra một dự án quốc gia cho bản thân mình. Một dự án quốc gia được xây dựng trên nguy cơ tụt hậu của dân tộc với ngay những người bạn láng giềng. Một nguy cơ dân tộc bị lệ thuộc, trở thành nô lệ theo kiểu mới, khi chúng ta không thể tự quyết cho mình, phải nghe bên ngoài ngay trong những điều nhỏ nhất. Một nguy cơ mà con cháu chúng ta phải đi tha hương, phục dịch truyền kiếp cho người ta ngay trên mảnh đất của mình hay ở các vùng đất đã từng nghèo hơn chúng ta như Campuchia, Thái Lan hay Miến Điện. Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào yếu kém đó để định vị lại dân tộc. Chúng ta không thể tiếp tục ru ngủ mình với những hào quang của quá khứ. Chúng ta không thể để ý thức hệ phủ bóng đen lên tương lai dân tộc. Chúng ta phải lấy lợi ích của tất cả mọi người làm mục tiêu phát triển, chứ không phải chỉ lợi ích của một nhóm người có quyền lực thâu tóm tương lai đất nước.

Quá trình hòa hợp dân tộc không phải là dễ nhưng cũng không phải là khó. Người Việt vốn bao dung và dễ tha thứ miễn là chúng ta cùng bàn với nhau. Hiện nay, chẳng có cơ hội nào tốt hơn việc xây Dự án quốc gia bằng cách xây dựng Hiến pháp. Mỗi người dân phải tự lên tiếng, đóng góp cho một Hiến pháp của toàn bộ nhân dân. Tiếng nói của bất kỳ ai cũng phải được tôn trọng, phải coi dân chủ, bình đẳng, tự do và quyền con người như là tối thượng. Tiến trình cùng bàn thảo Hiến pháp chính là tiến trình thông hiểu khác biệt, thống nhất tương lai và đoàn kết dân tộc. Tiến trình tạo ra ý thức về nguy cơ bị nô lệ hóa, tăng lòng ái quốc và thúc đẩy tinh thần tự do. Chỉ khi con người có tự do thì khi đó con người mới có khả năng hướng thiện, gìn giữ phẩm giá và lòng tự trọng của mình. Khi đó, những rác rưởi trong từng người, trong xã hội sẽ tự được làm sạch, và Dự án quốc gia khắc được hình thành và đưa dân tộc thoát khỏi kiếp lệ thuộc và tụt hậu.

Không gian quyền lực và sự tham gia của người dân

in Cộng Đồng

Quyền lực là khả năng gây ảnh hưởng đến một quyết định nào đó. Trong cuốn “Quyền lực đích thực” Thích Nhất Hạnh đã viết “Chúng ta luôn cố đạt cho được một địa vị có quyền lực bởi vì ta tin rằng quyền lực giúp ta làm chủ được cuộc sống, đem lại cho ta tự do và hạnh phúc – những gì ta mong muốn nhất”.


Ảnh: “Thức tỉnh để đón cầu vồng” là một hoạt động của cộng đồng LGBT góp phần tạo ra “không gian tự tạo” để người đồng tính, song tính và chuyển giới tự tin và tham gia vào “không gian dân chủ đại diện” vận động thay đổi luật và Hiến pháp tốt hơn

Tuy nhiên, quyền lực có phải chỉ có từ một địa vị nhất định hay còn những yếu tố nào khác cũng tạo nên quyền lực? Theo lý thuyết về quyền lực thì quyền lực nên được nhìn nhận dưới góc độ những không gian cho sự tham gia, có nghĩa là quyền lực tồn tại và thực thi ở những không gian khác nhau và việc tham gia hay không được tham gia vào các không gian quyền lực này sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của từng cá nhân, cộng đồng hoặc thậm chí cả quốc gia.

Điều quan trọng là các “không gian tham gia” này không hẳn được hình thành một cách tự nhiên mà nó là sản phẩm của mối quan hệ quyền lực. Mỗi không gian được tạo bởi các ranh giới và ranh giới này thể hiện qua việc ai có quyền đưa ra nghị trình thảo luận, ai có quyền tham gia, và ai có quyền quyết định cuối cùng. Có ba loại không gian quyền lực khác nhau, và chúng có quan hệ qua lại lẫn nhau.

“Không gian đóng” (closed space) là khu vực của nhóm nắm quyền mà những nhóm yếu thế hơn không được tham gia. Không gian đóng thường là nơi hội họp của lãnh đạo các đảng phái chính trị để quyết định các vấn đề quan trọng, nhưng thường không có sự tham gia của những người bị ảnh hưởng bởi các quyết định đó. Trên thực tế, các quyết định trong các không gian đóng thường phục vụ cho lợi ích của nhóm nắm quyền hơn là của những nhóm yếu thế.

“Không gian dân chủ đại diện” (invited space) là khu vực mà chuyên gia, đại diện nhóm ít quyền lực hơn được mời tham gia đóng góp ý kiến. Các ví dụ cụ thể như diễn đàn của các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội và Hội đồng nhân dân nơi các chuyên gia về một vấn đề cụ thể được mời đến trình bày ý kiến khoa học, hoặc các nhóm xã hội được mời đến để đóng góp ý kiến. Trong không gian này, quyết định được đưa ra trong môi trường mở hơn, phần nào có sự tham gia và giám sát của quảng đại quần chúng. Tuy nhiên, chất lượng quyết định phụ thuộc vào năng lực tham gia của người dân, và ý chí đại diện cho quyền lợi nhân dân của các đại biểu “dân cử”.

“Không gian tự tạo” (claimed space) là khu vực do chính những nhóm xã hội khác nhau, các nhóm thiệt thòi hoặc nhóm bị lề hóa xây dựng để thảo luận những vấn đề mà họ quan tâm. Người ta gọi khu vực này là khu vực “hữu cơ” hay nói cách khác là những khu vực được hình thành một cách rất tự nhiên dựa trên sắc tộc, sở thích, mối quan tâm. Nó là những hoạt động mà người dân tự khởi xướng, tự thực hiện dựa trên nhu cầu thiết thân của mình. Nói cách khác, đây là những không gian tự do của người dân, tạo điều kiện cho người dân nói lên ý kiến của mình, sáng tạo và phản biện lẫn nhau, và phản biện chính sách của nhà nước. Đây chính là môi trường dân sự cần thiết cho bất cứ một nền dân chủ nào.

Chỉ cần xem xét các không gian quyền lực được vận hành như thế nào, chúng ta có thể biết đất nước đó dân chủ đến mức nào. Nếu một quốc gia có “không gian đóng” quá lớn, thì đó là một quốc gia chuyên quyền, không dân chủ và chỉ phục vụ lợi ích của nhóm chóp bu. Nếu một quốc gia có “không gian dân chủ đại diện” lớn có chất lượng cao, có nghĩa ở quốc gia đó nền dân chủ đã được thực thi. Còn “không gian tự tạo” chính là chỉ số cho sự tự do của người dân trong việc thực hành các quyền dân chủ của mình, mà hiện thân là xã hội dân sự.

Để có được sự cân bằng giữa các không gian, điều quan trọng là phải có sự kiểm soát quyền lực. Sự kiểm soát này dựa trên “nhà nước pháp quyền” và “sự phản hồi của người dân”. Có nghĩa, người dân thực hành sự phản hồi của mình qua quyền bầu cử, trong môi trường tự do thông tin, báo chí và tự do hội họp. Khi đó, xã hội sẽ tự quyết định không gian nào sẽ có quyền gì, và quyền lực của từng không gian sẽ được kiểm soát công khai minh bạch như thế nào.

Ở Việt Nam, chúng ta hay nói đến khái niệm nhà nước pháp quyền, dân chủ đại diện và khuyến khích sự tham gia của người dân. Điều này có nghĩa, Việt Nam đang muốn tăng quyền và chất lượng của “không gian dân chủ đại diện.” Các nhóm thiểu số thiệt thòi như người khuyết tật, người di cư, dân tộc thiểu số, hay người đồng tính, song tính và chuyển giới đang được mời đến các diễn đàn để góp ý cho việc sửa luật và hiến pháp. Để việc góp ý hiệu quả thì người đại diện phải có kiến thức sâu, hiểu rõ chủ đề mình tham gia, khả năng thuyết trình, thuyết phục, đàm phán. Nếu không, khi “đột ngột” được mời tham gia vào khu vực dân chủ đại diện như đóng góp ý kiến cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, người dân sẽ chỉ thụ động ngồi nghe,  và sự tham gia của họ chỉ là hình thức.

Khi nhìn nhận quyền lực dưới lăng kính “không gian tham gia” người ta thấy một điều, những năng lực có được khi tham gia ở một không gian này sẽ ảnh hưởng tới cách tham gia ở không gian khác. Nhưng trên hết, không gian của “diễn đàn tự tạo” rất quan trọng, vì nó giúp người dân tập dượt, có năng lực đại diện để tham gia vào “không gian dân chủ đại diện” hiệu quả hơn. Và khi “không gian dân chủ đại diện” có chất lượng, có ảnh hưởng thì “không gian đóng” sẽ được điều chỉnh phù hợp và kiểm soát tốt hơn. Đây chính là cơ sở lý luận cho việc thúc đẩy vai trò của xã hội dân sự, các quyền tự do ngôn luận và lập hội trong việc thúc đẩy quyền giám sát của người dân, hay kiểm soát quyền lực của các nhóm lợi ích.

Go to Top